Vì một môi trường không khói thuốc

Là 'sát thủ thầm lặng' gây ra hàng triệu cái chết trắng mỗi năm, song mục tiêu giảm tác hại do thuốc lá vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vì vậy, cần sớm bổ sung thuế tuyệt đối với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để tăng giá thuốc lá, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng theo Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trung bình, sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình, xã hội và môi trường.

Một trong những lý do chính khiến tỷ lệ người dân hút thuốc lá cao, bởi giá thuốc lá của Việt Nam vẫn thấp, hiện đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam theo luật hiện hành ở mức 75% giá bán của nhà sản xuất, tuy nhiên, tổng các khoản thuế tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 38 - 39% trong giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam hiện nay, thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có mức thu nhập trung bình trong khu vực và thế giới.

Chính vì thế, việc bổ sung thuế tuyệt đối với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá là rất cần thiết.

Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong dự thảo luật nêu rõ, giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với thuốc lá điếu, theo 2 phương án.

Với phương án 1, đối với thuốc lá điếu, thuế suất tuyệt đối áp dụng từ năm 2026 là 2.000 đồng/bao, mỗi năm tăng lên 2.000 đồng, đến năm 2030 là 10.000 đồng/bao. Với phương án 2, mức thuế năm 2026 sẽ là 5.000 đồng/bao, mỗi năm tăng thêm 1.000 đồng và tới năm 2030 đạt 10.000 đồng/bao. Về cơ bản, cả 2 phương án đều có mức tăng đến năm 2030 là như nhau, chỉ khác ở các bậc tăng mỗi năm.

Trước phương án mà Bộ Tài chính đưa ra, Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ thuốc lá, các DN thuốc lá đồng loạt kêu khó, đồng thời đề xuất được giãn lộ trình tăng thuế và áp dụng mức thuế tuyệt đối thấp hơn cả 2 phương án mà Bộ Tài chính xin ý kiến. Với lý do để hỗ trợ DN thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, không ảnh hưởng tới việc làm của người lao động. Một lý do khác nữa, đó là để hạn chế người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thuốc lá lậu.

Vẫn biết rằng, tăng thuế sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới DN, tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân so sánh giữa sức khỏe cộng đồng và lợi ích DN, thiết nghĩ, phía DN cũng cần có trách nhiệm, vì sức khỏe người dân. Tuy nhiên, phía cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần nghiên cứu, lựa chọn phương án, lộ trình tăng thuế khả thi để đạt được mục tiêu đề ra, bảo đảm tương đối hài hòa giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng và ổn định sản xuất, kinh doanh của DN và ổn định thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh giải pháp tăng thuế, để đạt được mục tiêu giảm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn lậu thuốc lá giả, nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá.

Đồng thời, tăng cường công tác thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, nơi công cộng… Đẩy mạnh tuyên truyền, người dân từ bỏ sử dụng, buôn bán các sản phẩm thuốc lá, nhằm hướng tới xây dựng một môi trường sống và làm việc không khói thuốc, xanh, trong lành và khỏe mạnh.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vi-mot-moi-truong-khong-khoi-thuoc.html