Vì một nền giáo dục phát triển

Hôm nay (5-9), trong không khí vui tươi, phấn khởi, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo, học sinh các cấp học trong cả nước nô nức đến trường bắt đầu năm học mới 2024-2025. Đây vừa là sự khởi đầu cho những điều đẹp đẽ và đáng nhớ trong đời học sinh vừa giúp các em xác định, học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả cuộc đời.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, đến năm học 2023-2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông với khoảng 18,5 triệu học sinh. Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, vì thế cơ bản đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên, bảo đảm tổ chức dạy học đúng quy định.

2024-2025 còn là năm học đặc biệt, đánh dấu quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ hoàn tất chu trình với lớp cuối cùng của các cấp học. Và là năm học đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới và tăng cường tự chủ đại học theo chiều sâu.

Đặc biệt, với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT chỉ thị toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Đó là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi, khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo... Nâng cao chất lượng giáo dục các cấp. Triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp, nhất là các lớp cuối cấp…

Thực tế cũng cho thấy, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất giúp học sinh, sinh viên phát huy toàn diện năng lực, phẩm chất cũng như sở trường cá nhân. Đặc biệt, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã định hướng chỉ đạo công tác chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ trong thời đại mới: Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ.

Để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển với nền giáo dục chất lượng cao thì ưu tiên hàng đầu là phải đầu tư cho giáo dục. Muốn thực hiện thành công mục tiêu nêu trên, yêu cầu tiên quyết là các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền phải sớm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục vào cuộc sống bằng những quyết sách kịp thời, đúng đắn cũng như xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, an toàn để các thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên được giảng dạy và học tập trong niềm vui, hạnh phúc, được phát huy tối đa năng lực sáng tạo. Ưu tiên trước mắt là ngành GD&ĐT phải thực hiện hiệu quả 12 nhóm nhiệm vụ đã đề ra trong năm học 2024-2025.

Song song đó, mỗi thầy, cô giáo phải luôn giữ vững đam mê, tâm huyết với nghề, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp "trồng người" cao quý. Vì tương lai con em mình, các bậc phụ huynh hãy luôn đồng hành với nhà trường và xã hội trong giáo dục, chăm lo cho các con. Còn bản thân mỗi học sinh, sinh viên phải luôn ý thức tự học, tự rèn để mỗi năm học là một hành trình ý nghĩa trên con đường tích lũy tri thức, rèn luyện kỹ năng, trau dồi phẩm chất đạo đức để phát triển toàn diện bản thân.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/162255/vi-mot-nen-giao-duc-phat-trien