Vì một Quảng Bình xanh
Là địa phương đứng thứ hai cả nước về độ che phủ rừng, Quảng Bình quyết tâm duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 68%. Để bảo vệ rừng hiệu quả, đồng thời làm giàu bền vững từ rừng, trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC và khai thác dịch vụ môi trường rừng là hướng đi tỉnh đang tích cực triển khai.
Đã thành thông lệ, ngay sau Tết Nguyên đán hàng năm, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” lại được phát động. Hoạt động ý nghĩa này đã trở thành nét đẹp văn hóa, được triển khai thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tế, thu hút sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, nhân dân… “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mở đầu cho kế hoạch trồng và chăm sóc rừng hàng năm, góp phần quan trọng để tỉnh duy trì, phát triển tỷ lệ che phủ và nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng theo hướng bền vững.
Hiệu quả từ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và phong trào “trồng cây gây rừng” đã được khẳng định qua từng năm. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm (2021-2025) của Chính phủ, ngành Nông nghiệp-PTNT đã xây dựng kế hoạch trồng, chăm sóc rừng hàng năm.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới gần 24.000ha rừng; chăm sóc 73.872ha, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Về hưởng ứng chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh, đến nay Quảng Bình đã trồng trên 3,5 triệu cây, dự kiến đến hết năm 2023 là gần 6 triệu cây, quyết tâm hoàn thành mục tiêu 10,2 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025. Những con số nêu trên đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng lên gần 68,6% vào năm 2022.
“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” còn mang lại diện mạo, cảnh quan tươi mới cho các khu đô thị và làng quê bởi hệ thống cây xanh được trồng trên hành lang vỉa hè, đường phố, công viên, khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, giao thông nông thôn… Cây xanh đã góp phần quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh, làng quê đáng sống, tạo sự hài hòa trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.
Tự hào với những kết quả đạt được, tỉnh cũng đồng thời đặt ra lộ trình phát triển phù hợp với yêu cầu thực tế và mục tiêu đề ra. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn toàn tỉnh được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC là khoảng 7.000ha. Các địa phương dự kiến có diện tích trồng rừng gỗ lớn nhiều, gồm: Tuyên Hóa 3.400ha, Minh Hóa 3.300ha, Quảng Ninh 3.300ha, Lệ Thủy 3.200ha…
Việc các hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn được hỗ trợ vốn, giống, phân bón, khoa học kỹ thuật và những lợi thế khi được cấp chứng chỉ FSC đã và đang thu hút sự hưởng ứng tích cực của bà con, góp phần nâng cao diện tích rừng trồng gỗ lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, gỗ rừng trồng được kỳ vọng là một nguồn cung quan trọng, hứa hẹn hiệu quả kinh tế bền vững.
Cùng với trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC, những năm qua, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Quảng Bình đã mở ra nhiều hướng đi mới nhằm khai thác nguồn lợi từ rừng một cách hiệu quả song vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý, bảo vệ rừng bền vững.
Trồng cây dược liệu dưới tán rừng là một trong giải pháp hiệu quả. Các loại cây đang được đưa vào trồng thử nghiệm là cây lá khôi, ba kích, thiên niên kiện. Đây là những loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, phù hợp với rừng Quảng Bình. Hiện, một số địa phương, gồm: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh đang được tỉnh hỗ trợ trồng thí điểm các loại cây dược liệu nêu trên.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 tổ chức tại TP. HCM, trong danh mục các dự án tiềm năng để thu hút đầu tư được UBND tỉnh ban hành, phát triển cây dược liệu là 1 trong 6 nhóm dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được kêu gọi đầu tư. Đây là tiền đề thuận lợi để cây dược liệu phát triển, trong đó có dược liệu dưới tán rừng.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết thêm, khai thác dịch vụ môi trường rừng là hướng đi bền vững để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng và bảo vệ rừng hiệu quả. Với những tiềm năng thế mạnh nổi bật của Quảng Bình, du lịch sinh thái dưới tán rừng đã và đang mở ra những cơ hội lớn. Qua thực tế cho thấy, những tour du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên nói chung, dưới tán rừng nói riêng, đã tạo được sức hút đối với du khách và hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển.
“Bên cạnh đó, Quảng Bình đang nỗ lực để tham gia giảm phát thải nhà kính, bán tín chỉ carbon. Theo đó, tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung bộ, Quảng Bình là 1 trong 6 địa phương được tham gia thực hiện thí điểm. Trong 3 năm (2023-2025), tổng số kinh phí chuyển nhượng kết quả giảm phát thải nhà kính của tỉnh là 12,1 triệu USD. Đây là hướng đi đặc biệt ý nghĩa khi Quảng Bình sở hữu diện tích rừng rất lớn và trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu bước sang giai đoạn mới. Chứng chỉ carbon sẽ là nguồn tài nguyên mới, bền vững, quan trọng đối với người trồng rừng nói riêng và phát triển kinh tế của tỉnh nói chung!”, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Mai Văn Minh khẳng định.
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202301/vi-mot-quang-binh-xanh-2206793/