Vì một thế hệ trẻ sống xanh
Thúc đẩy lối sống xanh cho thế hệ trẻ ngay tại các trường học được TS. Quách Thị Xuân ví như 'một mũi tên trúng nhiều đích', giúp lan tỏa giá trị tích cực tới không chỉ học sinh, sinh viên mà còn cả giáo viên, gia đình và cộng đồng xung quanh.
Năm 2019, thử thách dọn rác Challenge for chance được khởi xướng bởi một người dùng mạng xã hội tại Mỹ, sau đó nhanh chóng lan tỏa ra toàn thế giới. Giới trẻ Việt Nam cũng nhanh chóng “bắt trend”, tạo ra nhiều hình ảnh đẹp trên nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc.
Thực tế, ngày càng có nhiều phong trào hướng đến lối sống xanh, hạn chế xả thải ra môi trường được người trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều bạn trẻ, không chỉ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường mà còn tự thiết kế cho bản thân phong cách sống tối giản, hạn chế xả rác hay tiêu dùng vô tội vạ.
“Gen Z là thế hệ xanh nhất Việt Nam” là lời nhận định của một vị chuyên gia kinh tế khi nói về xu hướng tiêu dùng đang và sẽ trở thành chủ đạo. Với xu thế đó, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều động lực để đưa ra và thực hiện nghiêm túc các giải pháp bền vững cho môi trường.
“Sống xanh” là một xu hướng cần được định hướng một cách nghiêm túc, đồng thời cũng là “quyền lợi” cần được đảm bảo cho thế hệ trẻ. Để định hướng đúng đắn và trao quyền thông qua cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức, vai trò của các cơ sở giáo dục là vô cùng quan trọng.
Mặt khác, kinh tế tuần hoàn là xu thế được đánh giá là tương lai của nền kinh tế. Vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi lực lượng lao động đảm bảo cả kỹ năng tuần hoàn và tư duy tuần hoàn, đòi hỏi sự vào cuộc từ sớm của ngành giáo dục.
Nói về vai trò của nhà trường trong khuyến khích lối sống xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, theo TS. Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), giáo dục và nhà trường đóng vai trò gốc rễ trong định hình, thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của thế hệ trẻ.
Xuất phát từ chính quan điểm đó, UEH đã khởi động dự án UEH Zero Waste Campus, với mục tiêu “xanh hóa từ tư duy đến hành động của cộng đồng UEH”. Ông Hùng cho biết, nhà trường thực hiện một cách nghiêm túc và không mang tính phong trào, sau 2 năm triển khai đã mở rộng, kết nối với nhiều đối tác về kinh tế tuần hoàn và đang đưa nội dung “không rác” vào đào tạo, nghiên cứu.
Bên cạnh UEH, nhiều trường học trên khắp cả nước cũng đã thực hiện mô hình “trường học không rác thải”, có thể kể đến như hệ thống trường phổ thông Thực Nghiệm (Hà Nội); Trường Tiểu học Hòa Phú (Đà Nẵng)…
Nhận xét về mô hình trường học không rác thải, TS. Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) nhìn nhận, xây dựng trường học không rác không chỉ tác động tới các bạn trẻ là học sinh, sinh viên mà còn lan tỏa tới giáo viên, gia đình và cộng đồng xung quanh.
“Xây dựng những mô hình trường học không rác giống như bắn một mũi tên tới nhiều đích”, bà Xuân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều đơn vị, nhà trường vấp phải một số khó khăn, vướng mắc. Nhằm mục tiêu kết nối các nhà trường, kết nối nhà trường với các đơn vị, tổ chức và chuyên gia để cùng tháo gỡ những nút thắt trong phát triển trường học không rác, VZWA đã khởi xướng sự kiện thường niên Lễ hội trường học Không rác.
9/12 vừa qua, Lễ hội trường học Không rác lần thứ 2 đã được VZWA cùng UEH và một số đối tác khác phối hợp tổ chức. Sự kiện thu hút được sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ nhiều địa phương trên khắp cả nước, cùng nhau thảo luận những giải pháp khả dĩ thúc đẩy và nhân rộng mô hình trường học không rác thải.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vi-mot-the-he-tre-song-xanh-1670840776941.htm