Vì mùa lễ hội văn minh, giàu bản sắc
Đến hẹn lại lên, thời điểm cận Tết Nguyên đán cũng chính là lúc công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội lớn nhất trong năm được gấp rút khởi động. Đạt nhiều thành tựu từ mùa lễ hội năm 2019, song không vì thế việc quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020 ở Hà Nội thiếu đi sự chủ động, chu đáo, với quyết tâm mang đến một mùa lễ hội tươi vui, an toàn, văn minh, giàu bản sắc.
Công tác tổ chức đi vào nền nếp
Với khoảng 1.200 lễ hội lớn, nhỏ trong năm, Hà Nội đang là nơi sở hữu nhiều lễ hội nhất cả nước. Đây là niềm tự hào, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho chính quyền và nhân dân Thủ đô trong quản lý, tổ chức. Với nhiều giải pháp đồng bộ, mùa lễ hội 2019 của Hà Nội diễn ra vui tươi, lành mạnh, không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, phản cảm… Kết quả này là cơ sở để Hà Nội tiếp tục hướng tới một mùa lễ hội năm 2020 an toàn, văn minh, giàu bản sắc truyền thống.
Thành phố Hà Nội sẽ duy trì các đoàn kiểm tra liên ngành trong suốt mùa lễ hội năm 2020.Ảnh: Giang Sơn
Trên tinh thần ấy, trong những ngày qua, người dân thôn Vệ Linh, xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) đang khẩn trương chuẩn bị cho lễ hội đền Sóc - một trong những lễ hội lớn của Hà Nội, sẽ diễn ra vào ngày 30-1-2020 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch). Ông Nguyễn Công Huấn, Trưởng thôn Vệ Linh cho hay: Tiếp đà thành công từ mùa lễ hội 2018 và 2019, lễ hội đền Sóc 2020 tiếp tục được đẩy sớm thời gian hành lễ cũng như thay đổi hình thức rước lễ, "tất lộc", không để xảy ra chen lấn, tranh cướp lộc. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Đoàn Văn Sinh thông tin thêm, dù lễ hội đền Sóc đã đi vào nền nếp, nhưng công tác tuyên truyền, vận động gìn giữ lễ hội văn minh, giàu bản sắc vẫn sẽ được tăng cường.
Cũng với tinh thần chủ động, ngày 31-12-2019, huyện Mỹ Đức đã triển khai công tác tổ chức lễ hội 2020. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương 2020 Nguyễn Văn Hậu cho biết, với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch”, Ban Tổ chức sẽ đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt những biểu hiện tiêu cực, như: Trốn lậu vé; chèo kéo, vòi tiền du khách; dịch vụ đổi tiền lẻ, quảng cáo bán hàng bằng loa đài... “Thực hiện quy định của Ban Tổ chức lễ hội, tất cả hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống đều phải niêm yết số điện thoại và giá. 100% thuyền, đò vận chuyển khách phải có giỏ đựng rác, phao cứu sinh và chở đúng số người quy định”, ông Nguyễn Sơn Thủy, Nhà hàng cơm chay Thủy Tiên, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thông tin thêm.
Phát huy giá trị lễ hội truyền thống
Trước mùa lễ hội mới đang cận kề, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh: Tổ chức lễ hội bảo đảm các giá trị truyền thống cũng như nếp sống văn minh trong không gian thờ tự; không tổ chức lễ hội tốn kém, lãng phí; nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng lễ hội để trục lợi, tổ chức dịch vụ trong khu vực bảo vệ một của di tích lịch sử, văn hóa...
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Ngô Văn Nam cho biết: “Lực lượng thanh tra liên ngành từ thành phố tới cơ sở sẽ duy trì kiểm tra thường xuyên, đột xuất trong suốt mùa lễ hội (từ tháng 2 đến tháng 6-2020). Việc tổ chức những trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội cũng sẽ được giám sát, để bảo đảm nội dung lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của lễ hội".
Nỗ lực vì một mùa lễ hội văn minh, an toàn, giàu bản sắc, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã họp với một số địa phương có lễ hội đề xuất giải pháp ngăn chặn biến tướng, bảo tồn nguyên vẹn giá trị lễ hội. Đồng thời có công văn gửi các địa phương, nhất là những nơi có lễ hội lớn, lễ hội tiêu biểu, như: Chùa Hương, đền Sóc, đền Hai Bà Trưng, đền Hát Môn, đền Phù Đổng, chùa Thầy, chùa Tây Phương, đền Cổ Loa... yêu cầu xây dựng kế hoạch chi tiết các hoạt động diễn ra tại lễ hội; kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Là nơi có lễ hội Sơn Đồng (xã Sơn Đồng) với tục Giằng Bông vốn thu hút sự quan tâm của dư luận, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoài Đức Đỗ Văn Thúy thông tin, để xóa bỏ nguy cơ phát sinh hành vi không đẹp, Ban Tổ chức sẽ cho đóng cửa khu vực sân đình, giảm tải cho trung tâm lễ hội và tổ chức thêm nhiều hoạt động dân gian khác.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, bên cạnh những giải pháp mạnh của cơ quan quản lý văn hóa, điều quan trọng hơn cả là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, du khách, tạo tính bền vững trong tổ chức và quản lý lễ hội. Bằng sự nỗ lực và chủ động, tin rằng, mùa lễ hội 2020 sẽ tiếp tục là mùa lễ hội văn minh, nhiều ý nghĩa với nhân dân Thủ đô cũng như du khách gần xa.