Vì mục tiêu sức khỏe người tiêu dùng

ĐBP - Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh luôn được các ngành chức năng chú trọng. Qua kiểm tra cho thấy, số vụ vi phạm về ATVSTP, số ca ngộ độc thực phẩm đều giảm...

TP. Điện Biên Phủ là địa bàn tập trung đông dân cư; hiện có 502 cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Theo phân cấp quản lý, với nhiệm vụ được giao, hàng tháng, hàng năm, Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát VSATTP các xã, phường thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát đối với những đơn vị này. Đồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức về VSATTP cho các cơ sở kinh doanh; tổ chức cho các hộ kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố ký cam kết đảm bảo ATTP… Do vậy, ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng lên. Từ đầu năm đến nay, địa bàn TP. Điện Biên Phủ chỉ có 1 vụ ngộ độc thực phẩm là do ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu.

Thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra ATTP liên ngành, chuyên ngành tuyến tỉnh, huyện, xã thực hiện kiểm tra trên 3.000 cơ sở; trong đó, số cơ sở đạt yêu cầu về ATTP chiếm 99,8%. Còn 0,2% cơ sở không đạt yêu cầu nguyên nhân là do hàng hóa hết hạn sử dụng, người tham gia chế biến không mặc trang phục bảo hộ lao động, cơ sở sản xuất không có kệ kê thực phẩm theo quy định. Đối với công tác xét nghiệm test nhanh giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, cơ quan chức năng đã thực hiện 8 đợt; lấy mẫu test nhanh đối với 476 mẫu. Kết quả, 100% mẫu đạt yêu cầu. Ông Hoàng Xuân Chiến, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh cho biết: Có được kết quả trên ngoài ý thức, trách nhiệm của đơn vị kinh doanh, sản xuất, ý thức người tiêu dùng thì sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng cũng là yếu tố rất quan trọng. Theo đó, ngay từ đầu năm, Chi cục đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các kế hoạch liên quan đến ATTP. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tại các huyện, thị, thành phố và kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thuộc phân cấp chi cục quản lý. Thành lập các đoàn kiểm tra, tăng cường đảm bảo ATTP trong thời gian diễn ra các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh, như: Tết Nguyên đán, Lễ hội Hoa Ban, Tháng hành động vì ATTP... Sau kiểm tra, giám sát, với vi phạm, cơ quan chức năng đã lập biên bản, đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền các cơ sở cần nâng cao ý thức trong quá trình kinh doanh, sản xuất để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Cùng với công tác thanh, kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP tại các tuyến với nhiều hình thức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức hội nghị, triển khai kế hoạch Tháng hành động vì ATTP, nói chuyện trực tiếp, phát thanh qua loa phát thanh… Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, đảm bảo tình hình kinh tế, xã hội của địa phương.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song theo đánh giá của cơ cơ quan chức năng, vấn đề đảm bảo VSATTP là công việc hết sức khó khăn. Nguyên nhân là do người dân trên địa bàn một số huyện đời sống, kinh tế khó khăn, kiến thức về an toàn thực phẩm chưa nhiều, vô hình chung tạo cơ hội cho một số người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà chưa tuân thủ pháp luật và những quy định, điều kiện về VSATTP. Chính vì vậy, để làm tốt được công tác này, không chỉ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành mà mỗi người dân, người tiêu dùng hay mỗi tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo VSATTP.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/199092/vi-muc-tieu-suc-khoe-nguoi-tieu-dung