Vì mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Không tổ chức HĐND phường: Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn! Không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội là đề án thí điểm và không vi hiến!
(HNM) - Theo dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội, từ ngày 1-6-2021, 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức HĐND phường. Việc thực hiện thí điểm nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng năng lực quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, giúp tinh giản hàng nghìn cán bộ, trong đó phần lớn là người hưu trí. Dự thảo đã nhận được đồng thuận cao của đông đảo người dân khi cho rằng đây là công việc quan trọng, phù hợp với sự phát triển của Thủ đô khi đẩy mạnh xây dựng chính quyền đô thị.
Việc thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã sẽ góp phần xây dựng hệ thống chính quyền tinh gọn, hiệu quả, gần dân hơn. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận “một cửa” phường Phú Lãm (quận Hà Đông) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Hữu Tiệp
Ông Khuất Văn Thảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ:
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của thành phố
Qua theo dõi tôi được biết, việc xây dựng Đề án thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội được thành phố chuẩn bị rất công phu và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn hiện nay. Quá trình xây dựng, hoàn thiện đề án, thành phố đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm ở các thành phố đã thí điểm theo Nghị quyết số 26/ 2008/QH12 ngày 15-11-2008 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Ngoài ra, thành phố tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; nhiều lần xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương bằng hình thức trực tiếp và văn bản; báo cáo xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ về nội dung của Đề án. Theo tôi, việc thí điểm là phù hợp với Hiến pháp, pháp luật hiện hành. Tôi rất tin tưởng vào thành công của chủ trương này và mong thành phố chủ động xây dựng phương án sắp xếp cán bộ theo lộ trình thích hợp sau khi Đề án được thí điểm.
Ông Kiều Vĩnh Lộc, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm:
Đáp ứng các yêu cầu của người dân được tốt hơn
Thời gian qua, hoạt động của HĐND cấp phường nói riêng và xã, phường, thị trấn nói chung trên địa bàn thành phố thực chất chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trên địa bàn; chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu; công tác giám sát cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Hơn nữa, tổ chức cấp chính quyền phường hiện nay tạo nên một bộ máy cồng kềnh, làm lãng phí nguồn lực. Theo tôi, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng hệ thống chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân hơn và đáp ứng yêu cầu của người dân được tốt hơn. Để đề án thực sự phát huy hiệu quả, người dân mong muốn thành phố tiếp tục nghiên cứu kỹ những tác động của đề án, để bảo đảm khi bắt tay thực hiện, quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế.
Ông Võ Xuân Tiu, đại biểu HĐND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy:
Tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước cấp cơ sở
Nhiều năm tham gia công tác tại HĐND phường, cá nhân tôi nhận thấy nhiều cán bộ HĐND vẫn còn tâm lý “né” trách nhiệm, “ngại” đấu tranh; công tác giám sát các hoạt động quản lý nhà nước của UBND do HĐND thực hiện chưa thực sự phát huy hiệu quả như người dân mong đợi. Hiện số lượng đại biểu HĐND tại mỗi phường, xã, thị trấn của Hà Nội khoảng 30 người. Nếu duy trì một bộ máy hành chính cồng kềnh ở cấp cơ sở nhưng hiệu quả quản lý không cao thì việc tinh giản vừa góp phần giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý của chính quyền cơ sở; tạo điều kiện cho cán bộ gần dân hơn. Đây là một cải tiến hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử của Hà Nội trong tương lai. Vì thế, Hà Nội cần đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, điều hành chính quyền địa phương; mỗi cán bộ phường, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong việc nắm bắt thông tin, giải quyết kịp thời các vấn đề từ cơ sở.
Bà Nguyễn Tố Uyên, ngõ 43 Ngọc Hà, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình:
Sự đổi mới là cần thiết
Tôi hoàn toàn nhất trí với việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường, thay vào đó là một mô hình chính quyền đô thị hoàn chỉnh tại Hà Nội. Sự đổi mới này là cần thiết bởi hiện nay các phường, xã đều có tốc độ đô thị hóa cao, khiến các vấn đề về an ninh trật tự, giao thông, đô thị, môi trường... gặp nhiều thách thức, cần chính sách phù hợp hơn. Trong khi đó, bộ máy hoạt động của HĐND còn nhiều tầng nấc trung gian, khiến việc cải cách hành chính chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Số lượng đại biểu HĐND cấp phường có nhiều cán bộ đã nghỉ hưu, chưa phát huy hết vai trò trong quản lý hành chính.
Vì vậy, nếu mô hình chính quyền đô thị được thí điểm thành công thì Hà Nội sẽ giảm từ 2.900 đến 3.500 cán bộ HĐND phường, tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ có nhiệt huyết, năng động cống hiến và phục vụ. Là một người dân, chúng tôi đặt kỳ vọng vào sự lãnh đạo của mô hình chính quyền mới, cần linh hoạt trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần có sự kết nối thông suốt giữa tổ dân phố, phường và quận để kịp thời giải quyết những khiếu nại, phản ánh, vướng mắc của người dân. Quá trình thực hiện thí điểm cần được rút kinh nghiệm liên tục, kịp thời điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế.