Vị ngọt quê hương

Mùa này, dọc theo Quốc lộ 91, đoạn thuộc cua Mỹ Đức (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), nhãn được bày bán rất nhiều. Đây là loại trái cây đặc sản được vun trồng, thấm ngọt hương vị quê hương, lưu luyến tâm tình du khách.

Nhãn Mỹ Đức, Khánh Hòa ngày càng nổi tiếng, được khách hàng ưa chuộng, bởi phẩm chất cơm dày, ngọt thanh, “ăn trái nào đáng đồng tiền trái ấy”.

Nhãn xuồng được bày bán giá 60.000 đồng/kg, trái to, nước nhiều.

Trong khi đó, nhãn tiêu lại có giá từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, lúc nào cũng trong tình trạng hút hàng. Đặc trưng của chúng là phần thịt chiếm đa số, còn hột bé xíu xiu, khác hẳn các loại nhãn khác. Vì vậy, nhà vườn bẻ được bao nhiêu đều bán hết ngay lập tức.

Ở xã nông thôn mới Khánh Hòa, nhiều hộ nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Điển hình là 15 công nhãn của ông Huỳnh Văn Dính.

Nhãn xuồng cơm vàng có thể đạt đến 8 tấn/ha/năm, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho người dân nơi đây. Loại trái này rất dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, không cần nhiều nhân công lao động.

Mỗi năm, nhãn chỉ cho 1 vụ duy nhất. Nếu sớm, từ sau Tết Nguyên đán, cây đã cho trái lai rai. Đến tháng 6 âm lịch, nhãn chín oằn cây, sang tháng 7 dứt mùa.

Hiện nay, vườn nhãn của ông Dính bắt đầu có trái, dù chưa nhiều. Ông nhẩm tính, khoảng 1-2 tuần nữa, trái sẽ rộ lên, to dần, có thể thu hoạch thường xuyên hơn.

Bé Trà My (10 tuổi) tham quan vườn nhãn của ông bà.

Trái nhãn dày cơm, vị ngọt ngào lan khắp miệng, đã được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Đến nay, xã Khánh Hòa đã có vùng quy hoạch nhãn (khoảng 200ha đất trồng).

Vùng trồng nhãn của Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ - Nông nghiệp Khánh Hòa được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường 3 nước: Úc, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

“Vườn nhãn của tôi được trồng từ 5-9 năm, tùy theo khu vực. Sản phẩm được thương lái, bà con tiêu thụ khá nhiều, nên thu nhập của gia đình tôi tương đối ổn hơn so với đất lúa kém hiệu quả trước đây” – ông Dính bày tỏ.

Từng trái nhãn chất chứa công sức lao động, tâm huyết trồng trọt của nông dân, cũng chất chứa cả niềm hy vọng về thương hiệu trái cây đặc sản ngày càng vươn xa, vang danh khắp nơi.

Hiện nay, ngoài định hướng sản xuất nông nghiệp, nông dân trồng nhãn còn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vườn. Ao cá, ao sen được thiết kế xen kẽ vườn nhãn, chủ vườn sẵn sàng phục vụ ẩm thực đồng quê cho du khách.

Thịt nhãn có thể trở thành mồi câu cá hiệu quả

Nếu biết cách xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình này, những vườn nhãn ở huyện Châu Phú sẽ mang lại nhiều “quả ngọt” hơn cho nông dân, giúp họ yên lòng gắn bó với nhãn, đồng thời giúp mọi người tìm về xứ nhãn đong đầy tình quê.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/vi-ngot-que-huong-a396897.html