'Vị ngọt' sản phẩm OCOP Mỹ Tú

Sản xuất cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi và canh tác cây mía là nghề truyền thống của nhiều hộ dân trên địa bàn một số xã của huyện Mỹ Tú. Với nguồn nguyên liệu tại địa phương dồi dào đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tận dụng để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cung ứng thị trường, trong đó có các sản phẩm, như: đường phèn, mứt vỏ cam, rượu cam, mật cam… Đây là sản phẩm địa phương được lựa chọn vào danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh, nhằm quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Là hợp tác xã (HTX) có sản phẩm được đưa vào danh mục OCOP của tỉnh, HTX Nông nghiệp Phương An, xã Hưng Phú (Mỹ Tú) có “tiếng vang” nhiều năm qua bởi HTX chuyên canh cây cam xoàn được thị trường ưa chuộng. Trong quá trình hình thành và phát triển, HTX không chỉ kinh doanh trái cam xoàn tươi mà còn sản xuất cây giống cung ứng trên thị trường. Để nâng cao giá trị hàng hóa sau thu hoạch cũng như tạo sự đột phá trong hoạt động, HTX đã mạnh dạn mở rộng thêm việc chế biến trái cam tươi, tạo ra một số sản phẩm mới từ cam như: rượu cam, mật cam, mứt cam… Dù là sản phẩm chế biến nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị của trái cam xoàn, đồng thời có thời gian bảo quản được lâu hơn thông qua hình thức chế biến mới.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Phương An Hồng Văn Cầu cho biết: “Diện tích canh tác cam xoàn của HTX hơn 54ha, có 54 thành viên đều là các bạn trẻ có trình độ năng lực và chuyên môn tốt. Sau quá trình kết nối thành viên sản xuất cam xoàn, anh em nhận thấy cần phải thay đổi phương thức mới để trái cam đem về nguồn thu nhập cao hơn cho thành viên, bởi thực tế sau thu hoạch, trái cam bán ra thị trường là phải đạt chất lượng theo yêu cầu thì giá mới tốt. Do vậy, HTX bàn bạc đi đến thống nhất sẽ làm ra các sản phẩm chất lượng để giới thiệu đến người tiêu dùng. Ý tưởng trên đã được sự đồng thuận, giúp sức của các cấp chính quyền, đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ liên quan đến công nghệ sản xuất và quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và hầu hết các loại rượu, mứt vỏ cam, mứt múi cam… được người dùng đánh giá cao, khách đặt hàng mua số lượng ngày càng lớn”.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu trong chuyến đến tham quan sản phẩm OCOP đường phèn Mỹ Tú.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu trong chuyến đến tham quan sản phẩm OCOP đường phèn Mỹ Tú.

Phát huy kết quả bước đầu đạt được, qua hơn 6 tháng chính thức đưa các sản phẩm từ trái cam xoàn ra thị trường, lượng hàng tiêu thụ rất tốt, bởi mọi người biết đây là sản phẩm từ nguồn trái cây sạch, đạt chứng nhận VietGAP cũng như trái cam có nhiều lợi ích sức khỏe khi dùng. “Hiện tại, tất cả thành viên HTX đều phấn khởi khi sản phẩm được chọn vào danh mục OCOP của tỉnh vì khi được đóng dấu OCOP trên bao bì sản phẩm, hy vọng sẽ tiêu thụ mạnh hơn. Thông qua chế biến trái cam xoàn, đã tạo việc làm cho các thành viên, nâng cao thu nhập, tạo sự gắn kết hơn nữa giữa các thành viên…” - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phương An Hồng Văn Cầu cho biết thêm.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Văn Mẫn cho rằng, các sản phẩm giá trị gia tăng của HTX Nông nghiệp Phương An được sản xuất đóng gói đẹp mắt. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế thị trường và hoạt động theo đúng Luật HTX. Qua đó, đồng chí Lâm Văn Mẫn đề nghị HTX Nông nghiệp Phương An tiếp tục duy trì, phát huy lợi thế tiềm năng sẵn có để đưa HTX phát triển ngày càng lớn mạnh, tăng thu nhập cho thành viên cũng như góp phần đưa sản phẩm OCOP của huyện, tỉnh nhà vươn cao, vươn xa.

Không chỉ có các sản phẩm từ trái cam thì với nét đặc trưng riêng của địa phương là nguồn nguyên liệu mía dồi dào nên đường phèn được sản xuất tại cơ sở Hùng Xuân, ấp Phương An 1, xã Hưng Phú (Mỹ Tú) cũng được đưa vào danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh. Ông Lư Đồng - chủ cơ sở Hùng Xuân chia sẻ: “Cơ sở chuyên sản xuất đường cát, đường mía, mật đường, nước màu và đặc biệt là đường phèn. Thường ngày, cơ sở bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng cho đến 17 giờ chiều, chủ yếu lao động nông thôn và được trả công theo sản phẩm. Bình quân mỗi ngày cơ sở cho ra 600kg đường phèn, nhẩm tính trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận thu về cho công việc sản xuất các loại đường tầm 18 triệu đồng. Để sản phẩm cạnh tranh tốt trên thị trường, cơ sở mong muốn có chiếc máy đóng gói đường, máy sấy khô để bảo quản đường lâu hơn, nhất là sản phẩm OCOP thì cần có bao bì bắt mắt hơn, đẹp hơn để thu hút người tiêu dùng”.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu đánh giá cao sản phẩm đường phèn của cơ sở Hùng Xuân vì mang nét riêng của quê hương Mỹ Tú. Qua đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cơ sở cần cải tiến trang thiết bị nhằm tăng sản lượng, đa dạng hóa sản phẩm đường phèn với kích cỡ khác nhau và trong sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; trong sản xuất, kinh doanh chủ cơ sở nên tính đến hiệu quả kinh tế, lợi nhuận thu về khi đầu tư sản xuất... Do đó, cần phối hợp địa phương để có sự hướng dẫn hỗ trợ mở rộng sản xuất khi sản phẩm được đóng dấu OCOP cung ứng trên thị trường.

Thúy Liễu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/huyen-my-tu/vi-ngot-san-pham-ocop-my-tu-29509.html