'Vì nhân dân quên mình', nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (siêu bão Yagi), từ đêm ngày 7 đến 11/9, các tỉnh Bắc Bộ xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng, cộng với lũ từ thượng nguồn dồn về gây lũ trên nhiều sông, suối trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Giang... Mưa lũ gây ngập sâu trên diện rộng kéo theo tình trạng sạt lở đất ở nhiều nơi khiến thiệt hại rất nghiêm trọng về người, cơ sở hạ tầng. Trước tình hình đó, nhân dân, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang đã đoàn kết, nỗ lực từng ngày, từng giờ ứng cứu người bị nạn, tìm kiếm người mất tích.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 Biên phòng, BĐBP Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích do chìm tàu trong bão số 3. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 Biên phòng, BĐBP Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích do chìm tàu trong bão số 3. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Tan hoang do mưa lũ

Hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các nền tảng mạng xã hội những ngày gần đây là những khu vực dân cư nằm trong biển nước, cây cối gãy đổ, nhà cửa bị hư hại. Nghiêm trọng hơn, có những bản làng, cụm dân cư bị xóa sổ bởi sạt lở đất kinh hoàng. Chỉ trong 5 ngày mưa lũ lịch sử đã khiến các tỉnh Bắc Bộ trở lên tan hoang. Có ít nhất 199 người đã tử vong do đợt mưa bão lịch sử này. Trong khi đó, 128 người vẫn còn đang mất tích và hơn 800 người bị thương. Thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Lào Cai với 82 người chết, 95 người mất tích; trong đó, làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên bị lũ quét, sạt lở đất vùi lấp hoàn toàn vào ngày 10/9 khiến 34 người chết, 61 người mất tích.

Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sức tàn phá khủng khiếp của bão số 3 và mưa lũ đã làm cho hơn 130.000 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều nhất là Quảng Ninh với hơn 70.000 nhà, tiếp đến là Hải Phòng với hơn 36.000 nhà, Bắc Ninh hơn 3.400 nhà... Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, hơn 7.000 cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; hàng chục nghìn cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...

Sơ bộ mưa lũ làm gần 58.000 nhà bị ngập nước, trong đó có những khu vực nước ngập tới mái nhà dân. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề khi hơn 230.000ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; hơn 22.000ha cây ăn quả bị hư hại. Ngoài ra, hơn 1.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2.500 con gia súc và hơn 1,5 triệu con gia cầm bị chết.

Mưa lũ cũng đe dọa đến sự an toàn của nhiều tuyến đê điều với hàng nghìn hộ dân sống phía trong đê. Tính đến chiều tối 11/9, đã xảy ra 70 sự cố đê điều trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam và Nam Định.

Hệ thống giao thông cũng bị hư hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trên các tuyến quốc lộ và cao tốc khu vực phía Bắc hiện còn 232 điểm bị tắc đường. Trong khi đó, các tuyến đường sắt cũng bị đình trệ. Cụ thể, tuyến Bắc Hồng - Văn Điển tại Km20+400-Km21+000 nước ngập đỉnh ray trên 550mm, lực lượng chức năng đã phong tỏa, cấm tàu qua khu gian Phú Diễn - Hà Đông. Tuyến Kép - Hạ Long - Cái Lân phong tỏa các khu gian từ Đông Triều - Yên Cư để tổ chức sửa chữa nền đường bị sạt lở, cây, cột điện, cột đường dây thông tin do gió bão giật đổ vào đường sắt. Tuyến Yên Viên - Lào Cai, hiện phong tỏa toàn bộ các khu gian từ Ấm Thượng - Lào Cai và dừng chạy tàu qua cầu Việt Trì; tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, đã dừng chạy tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống và cầu Bắc Giang.

Bộ đội nỗ lực ứng cứu dân

Trong khó khăn hoạn nạn, Quân đội đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng khác kịp thời giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Bộ đội cùng với cán bộ địa phương đã bất chấp nguy hiểm băng mình qua mưa dông, bão giật, dầm mình trong nước lũ cứu giúp người dân, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực bị sạt lở đất. Ảnh: Tiến Thắng

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực bị sạt lở đất. Ảnh: Tiến Thắng

Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 74.000 cán bộ, chiến sĩ, hơn 284.000 dân quân tự vệ cùng hàng nghìn phương tiện, xe đặc chủng, tàu xuồng và 6 máy bay tham gia tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai. Điển hình, ngày 11/9, mưa lớn gây ngập úng, cô lập 8 hộ dân ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên; gây sạt lở 40m3 taluy quốc lộ 4A (xã Cách Linh, huyện Quảng Hà, tỉnh Cao Bằng), sạt 50m3 ta luy dương sau nhà kho Đoàn Kinh tế quốc phòng 799. Trước diễn biến đó, Quân khu 1 đã điều 8.737 người, 164 phương tiện giúp nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngày 11/9, Quân khu 3 điều động cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân tự vệ với 26.150 người, 387 phương tiện giúp người dân các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên gia cố 705m đê sông có nguy cơ bị sạt lở. Đồng thời, di dời 4.310 hộ dân/15.364 nhân khẩu có nguy cơ bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Cũng trong ngày 11/9, Bộ Tư lệnh BĐBP điều 1.252 lượt cán bộ, chiến sĩ/38 lượt phương tiện, 5 chó nghiệp vụ tìm kiếm người mất tích (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), di dời 86 hộ dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Quảng Ninh đến nơi an toàn; trao hàng cứu trợ các gia đình thiệt hại và giúp nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả mưa lũ.

Bên cạnh đó, Quân chủng Hải quân điều 908 cán bộ, chiến sĩ/7 xuồng, 15 xe ô tô tham gia giúp người dân tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng khắc phục hậu quả bão số 3. Quân chủng Phòng không - Không quân điều động 213 cán bộ, chiến sĩ/8 phương tiện tham gia giúp nhân dân các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên khắc phục hậu quả sau bão lũ. Binh chủng Pháo binh điều 50 cán bộ, chiến sĩ/15 phương tiện các loại giúp nhân dân huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trước đó, vào ngày 10/9, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển điều động 77 cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân trên địa bàn thành phố Hải Phòng khắc phục hậu quả bão số 3. Bộ Tư lệnh Thủ đô điều động cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân tự vệ với 5.888 người, 26 phương tiện xử lý vỡ 5m đê Sông Công (Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội).

Tại tỉnh Yên Bái và Cao Bằng, do ảnh hưởng từ nước lũ dâng cao và nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt khiến nhiều nơi bị cô lập, Bộ Quốc phòng đã triển khai tiếp tế bằng đường không. Ngày 12/9, Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã lựa chọn những thành viên tổ bay, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đường không giàu kinh nghiệm, chia làm hai tổ bay tham gia tìm kiếm cứu nạn đường không, vận chuyển hàng hóa tiếp trợ cho hai địa phương trên.

Cùng với toàn quân nỗ lực khắc phục khó khăn, bám nắm địa bàn giúp đỡ người dân ứng phó với mưa lũ, các đơn vị Biên phòng từ Thanh Hóa trở ra đang duy trì 100% quân số sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống. Trong khi đó, ở các địa bàn trọng điểm, các khu vực xảy ra ngập úng, sạt lở đất, lũ quét, lực lượng BĐBP đang phối hợp với các lực lượng khác tiếp tục chạy đua với thời gian tìm kiếm người mất tích, di dời người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotvi-nhan-dan-quen-minhquot-no-luc-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-post480850.html