Vi phạm an toàn thực phẩm: Hậu quả lớn, xử phạt nhẹ

Các hành vi cố tình vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, để sức khỏe của người dân được đảm bảo an toàn nhất.

Ai cũng có thể là nạn nhân của thực phẩm bẩn

Tại khu chợ đầu mối nổi tiếng Long Biên với đủ loại quả, loại được bán nhiều nhất vẫn được các tiểu thương gọi là “Táo Mỹ”. “Táo Mỹ” nhưng tem mác có thể xuất xứ từ New Zealand, Canada, những lời mời gọi từ người bán thu hút thói sính ngoại của người Việt.

Theo lời giải thích của người bán, loại “Táo Mỹ” này có thể để được cả tháng vô tư mà không hỏng bởi tác động môi trường và khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Phải chăng "Táo Mỹ" xuất Việt đã thích nghi ngay với khí hậu nước ta?

Khi người bán hướng dẫn quét mã trên tem mác để tra cứu thông tin về sản phẩm, không có thông tin nào hiện lên. Chỉ với một chiếc tem có in mã đàng hoàng, bất kì táo nào cũng thành táo nhập từ bên kia đại dương.

Nỗi lo thường trực của người đi chợ

Những khay thịt bò vốn đã quen thuộc với thực khách khi đi ăn tại các nhà hàng hay quán lẩu. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến cách bảo quản và sơ chế tại một cơ sở thực phẩm, hẳn nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại. Các công đoạn được công nhân làm thủ công trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, các loại thực phẩm được để trộn lẫn trong kho lạnh và tủ làm mát, nhiều loại đã có dấu hiệu hư hỏng, bốc mùi, thậm chí là nấm mốc. Để tăng độ uy tín, chủ cơ sở tự in bao bì, nhãn mác, giới thiệu đây là các loại thịt nhập khẩu để đánh lừa người tiêu dùng.

Thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các đơn vị thuộc Công an thành phố, chủ công là Phòng Cảnh sát kinh tế đã tăng cường công tác phát hiện, kiểm tra. Qua đó xử lý nghiêm nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức, không tùy tiện, dễ dãi trong quá trình lựa chọn thực phẩm, tránh tình trạng tiền mất tật mang.

Anh Nguyễn Đức Lộc (Đống Đa) chia sẻ: "Hiện tại tôi có ăn hàng bên ngoài, có vài trường hợp đã gặp tình huống bị đau bụng. Tuy chưa nặng đến mức phải đi viện, nhưng cũng ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của tôi. Tôi nghĩ vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối hiện nay".

Khác với anh Lộc, chị Nguyễn Thị Huyền (Đống Đa) lại hạn chế ăn ở các hàng quán bên ngoài: "Tôi không đi ăn ngoài do lo sợ thực phẩm bẩn, họa hoằn lắm mới đi ăn ngoài. Đi ăn ở ngoài cũng không đảm bảo sức khỏe, tôi sợ các bệnh về sau này như ung thư hay các bệnh về đường tiêu hóa".

Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo, việc tiêu thụ thực phẩm kém vệ sinh, đặc biệt là đồ nướng "xiên bẩn" có thể gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe, điển hình như ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói cấp tính.

Bên cạnh đó là nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột từ các vi khuẩn E.coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn… dẫn đến rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc gây tích tụ độc tố lâu dài do dầu chiên dùng nhiều lần, dễ tạo ra các chất gây ung thư.

Người tiêu dùng chịu trận

Bệnh nhân Nguyễn Văn Thành (Nghệ An) vừa trải qua đợt điều trị tích cực, phải thở máy, lọc máu liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thời gian qua. Bệnh nhân bị ngộ độc rượu nặng trong một cuộc liên hoan tại Hà Nội.

Còn rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra trên địa bàn cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình như vụ việc hơn 30 học sinh nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì trên đường đi Đầm Sen huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Hay vụ việc chàng trai 25 tuổi ở TP Hồ Chí Minh liệt tứ chi nguy kịch sau khi ăn pate đóng hộp; 373 người nhập viện vì ngộ độc nghi do ăn bánh tại tiệm bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình. Ngoài ra còn có hai học sinh huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc sau khi ăn bim bim và mì cay; 13 học sinh Trường THCS Bình Minh, huyện Thanh Oai nhập viên do uống nước ngọt miễn phí.

Năm 2024, thành phố Hà nội đã thành lập hơn 900 đoàn kiểm tra, hậu kiểm tra; qua đó kiểm tra, hậu kiểm 88.113 cơ sở; phát hiện 8.020 cơ sở vi phạm; xử phạt 7.880 cơ sở với tổng số tiền hơn 20,256 tỷ đồng.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Là những người giải quyết hậu quả, chúng tôi mong các cơ quan chức năng xử quyết liệt, nghiêm khắc hơn nữa để giải quyêt triệt để. Phải xử lý thật nghiêm với những người đã gây ra mất an toàn thực phẩm".

Về việc tăng mức xử phạt đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: "Tôi cho rằng rất cần thiết vì có những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong thời gian qua. Đối với các cơ sở doanh nghiệp, chúng tôi đi kiểm tra và có thống kê nhiều năm trở lại đây, các cơ sở cũng vi phạm tái đi tái lại nhiều lần. HĐND cũng đã ban hành Nghị quyết 49 về đề nghị tăng mức xử phạt trên địa bàn thành phố. Chúng tôi thấy rằng sau khi tăng mức xử phạt với lĩnh vực an toàn thực phẩm, cơ sở doanh nghiệp cũng nhận thấy rõ trách nhiệm cảu mình hơn, mức độ vi phạm cũng cải thiện rõ rệt".

Các quốc gia quản lý an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm là một vấn đề quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thực phẩm. Các quốc gia, tổ chức trên thế giới đều có những hệ thống quản lý an toàn thực phẩm khác nhau, được thiết kế để bảo vệ người tiêu dùng.

Mỹ có một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, được thực hiện bởi nhiều cơ quan liên quan, trong đó hai cơ quan quan trọng nhất là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

FDA thực hiện các kiểm tra an toàn đối với thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhập khẩu và các nguyên liệu thực phẩm. Cơ quan này yêu cầu các nhà sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt và thực hiện các chương trình kiểm soát chất lượng, bao gồm kiểm tra vi sinh vật, hóa chất và các chất độc hại trong thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chủ yếu chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong ngành chế biến thịt, gia cầm và trứng. Cơ quan này thực hiện kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm, đảm bảo rằng thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt trước khi được phân phối ra thị trường.

Các cơ quan trên đều yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc để có thể theo dõi và kiểm tra mọi vấn đề liên quan đến thực phẩm, từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực có hệ thống an toàn thực phẩm tiên tiến và có tính chất đồng bộ nhất trên thế giới, với các quy định pháp lý chặt chẽ được áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên. Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu ( EFSA) có nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu đánh giá rủi ro đối với thực phẩm và cung cấp khuyến cáo cho các cơ quan chính phủ EU.

Bên cạnh đó, EU còn đưa ra một loạt các quy định pháp lý về an toàn thực phẩm, trong đó có quy định thành lập một cơ chế an toàn thực phẩm chung, yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm cung cấp thông tin về nguồn gốc các nguyên liệu, thành phần và quy trình chế biến thực phẩm. Điều này giúp đảm bảo rằng mọi thực phẩm đưa ra thị trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất và giúp kiểm tra và xác định nguồn gốc của thực phẩm khi có sự cố xảy ra.

Tại châu Á, Singapore và Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong việc quản lý an toàn thực phẩm với hệ thống giám sát và kiểm soát thực phẩm rất hiện đại và chặt chẽ.

SFA là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và giám sát an toàn thực phẩm tại Singapore. SFA thực hiện các chương trình kiểm tra, xét nghiệm và chứng nhận các sản phẩm thực phẩm trước khi đưa ra thị trường. SFA cũng giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác. SFA sử dụng các công nghệ tiên tiến để kiểm tra thực phẩm, bao gồm các xét nghiệm vi sinh, hóa học và sinh học để phát hiện các tác nhân gây hại trong thực phẩm. Singapore thực hiện chính sách an toàn thực phẩm toàn diện từ trang trại đến bàn ăn để đảm bảo rằng toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn khắt khe.

Còn tại Nhật Bản, cơ quan chịu trách nhiện quản lý an toàn thực phẩm là JFS. Cơ quan này thực hiện các nghiên cứu và đánh giá các nguy cơ liên quan đến thực phẩm, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn và quy định an toàn thực phẩm. Các chương trình kiểm tra chất lượng thực phẩm được thực hiện định kỳ và ngẫu nhiên tại các cơ sở sản xuất thực phẩm, kho lưu trữ và siêu thị. Thực phẩm nhập khẩu cũng được kiểm soát rất chặt chẽ. Nhật Bản yêu cầu các nhà xuất khẩu thực phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của nước này, bao gồm kiểm tra các thành phần có thể gây hại cho sức khỏe.

Mặc dù vẫn còn các thách thức trong việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu và thực phẩm chế biến, nhưng các biện pháp giám sát và kiểm tra rất chặt chẽ giúp bảo vệ sức khỏe và niềm tin cho người tiêu dùng.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/vi-pham-an-toan-thuc-pham-hau-qua-lon-xu-phat-nh-319559.htm