Vi phạm an toàn thực phẩm: Xử phạt gặp khó vì 'tình làng, nghĩa xóm'!

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh, song cũng có nơi còn hạn chế, chưa kiên quyết, nhất là tuyến xã, thị trấn. Để mang lại hiệu quả bền vững, công tác quản lý an toàn thực phẩm cần tiếp tục được triển khai thường xuyên, liên tục và đòi hỏi chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra bếp ăn Trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Xuân Lộc

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra bếp ăn Trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Xuân Lộc

Kiểm tra trọng tâm, trọng điểm

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, 4 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra công tác triển khai Tháng hành động tại 30 quận, huyện, thị xã và kiểm tra trên thực tế khoảng 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Nhìn chung, công tác kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nghiêm túc từ thành phố đến cơ sở. So với trước đây, nhận thức về vấn đề an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm đã tốt hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy, không chỉ ở những cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo quy trình thủ công mà ngay cả tại những cơ sở uy tín, có thương hiệu trên thị trường, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn xảy ra. Các nội dung vi phạm chủ yếu là sử dụng nguyên liệu thực phẩm hết hạn; chưa xuất trình được hồ sơ pháp lý về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ không bảo đảm; không lưu mẫu thức ăn theo quy định... Đặc biệt, việc xử lý vi phạm nhìn chung đã được đẩy mạnh, song cũng có nơi còn hạn chế, chưa kiên quyết, nhất là tuyến xã, thị trấn.

Tại huyện Ứng Hòa, 2 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện đã kiểm tra được 61 cơ sở thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, qua đó phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm với tổng số tiền là 9,5 triệu đồng. Qua việc triển khai thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Ứng Hòa Trần Ngọc Long cho rằng, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và trình độ quản lý, chuyên môn hạn chế so với khối lượng và yêu cầu công việc đặt ra. Thêm vào đó, tại một số xã còn xảy ra tình trạng nể nang “tình làng, nghĩa xóm” nên chưa quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tương tự, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, toàn huyện Mỹ Đức đã kiểm tra được 475 cơ sở, trong đó tuyến huyện kiểm tra 81 cơ sở và tuyến xã, thị trấn kiểm tra 394 cơ sở. Qua kiểm tra đã phát hiện 23 cơ sở vi phạm và xử phạt 6 cơ sở với số tiền là 12 triệu đồng, còn lại 17 cơ sở được nhắc nhở khắc phục sai phạm. Theo Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm của chính quyền một số xã còn chậm. Mặt khác, đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và cơ bản là thực hiện nhiệm vụ theo hình thức kiêm nhiệm. Ngoài ra, huyện cũng đang thiếu các test xét nghiệm nhanh kiểm tra chất lượng thực phẩm…

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội kiểm tra khu chế biến thực phẩm tại siêu thị Mega Market (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Xuân Lộc

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội kiểm tra khu chế biến thực phẩm tại siêu thị Mega Market (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Xuân Lộc

Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra

Không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, công tác quản lý an toàn thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra phải được tăng cường thường xuyên, liên tục. Để đạt hiệu quả cao, cơ quan chuyên môn của thành phố tiếp tục có kế hoạch hướng dẫn, tập huấn về công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý của các địa phương, như: Quy định xử phạt, thẩm tra, cấp phép, xử lý các mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm trên địa bàn…

“Hiện đã có sự phân cấp quản lý tương đối rõ ràng theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu dùng. Do đó, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; trong đó chú trọng truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn trường học, cơ quan, xí nghiệp, chợ đầu mối… Cùng với đó, thường xuyên rà soát việc cấp phép an toàn thực phẩm, thẩm tra các cơ sở về điều kiện kinh doanh, sản xuất bảo đảm đúng quy định…”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, các địa phương cần kiên quyết xử lý cơ sở vi phạm, thay vì chỉ đôn đốc, nhắc nhở; đồng thời, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết, không sử dụng sản phẩm của những cơ sở này. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, người tiêu dùng cần nói “không” với thực phẩm không an toàn, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1064225/vi-pham-an-toan-thuc-pham-xu-phat-gap-kho-vi-tinh-lang-nghia-xom