Vi phạm bản quyền - rào cản phát triển báo chí

Ngày 13-9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo 'Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số'.

Theo ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, vấn nạn vi phạm bản quyền là một trong những thách thức, rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí; đặc biệt là khi hành vi sao chép, phân phối sử dụng trái phép đang diễn ra phổ biến, với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng như hiện nay. Vi phạm bản quyền nội dung số làm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí, làm giảm sự khích lệ sáng tạo, tận hiến của nhà báo...

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, chỉ rõ, không chỉ vi phạm bản quyền, những tin, bài bị đánh cắp bản quyền, trong rất nhiều trường hợp bị cắt cúp, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nắm bản quyền, tác giả bài viết, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

“Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho cơ quan báo chí. Thị phần quảng cáo và khai thác nội dung báo chí lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại chảy về các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn lớn về nguồn thu… Và, bảo vệ bản quyền báo chí đã trở thành vấn đề sống còn của mỗi người làm báo và của các cơ quan báo chí”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh

Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng Ban Kiểm tra (Đài Truyền hình Việt Nam - VTV), cho biết, bản quyền VTV đã và đang bị vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt trên internet. Các đối tượng không chỉ sử dụng chương trình không thỏa thuận, xin phép mà còn tự ý cắt ghép, chèn quảng cáo… Ví dụ, chỉ tháng đầu tiên phát sóng 2 bộ phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, đã có trên 400 trang Facebook và kênh YouTube vi phạm. VTVcab bị cắt đối tác phát sóng giải bóng đá Champions League và Europa League năm 2017 do bất lực trong việc ngăn chặn các hành động xâm phạm bản quyền liên tục trên internet.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà nội mới, hiện nay, một số cơ quan báo chí đã xây dựng giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bị xâm hại bản quyền. Tuy nhiên, nếu các cơ quan báo chí tự làm riêng lẻ thì rất khó khăn, tốn kém. Vì thế, lãnh đạo Báo Hà nội mới cho rằng, đã đến thời điểm chín muồi để thành lập trung tâm bảo vệ tác quyền với tác phẩm báo chí.

Tại hội thảo, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vi-pham-ban-quyen-rao-can-phat-trien-bao-chi-post705515.html