Vi phạm đáng tiếc do thói quen và thiếu hiểu biết pháp luật

Tự do vào rừng lấy gỗ cất nhà, bẫy chim, thú hay thói quen chế tạo và sử dụng súng kíp… đã khiến không ít bà con ở miền núi Điện Biên phải vướng vòng lao lý.

Bị cáo nghe đại diện VKS luận tội.

Bị cáo nghe đại diện VKS luận tội.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên liên tiếp xảy ra các vụ việc bà con dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng miền núi do vào rừng lấy gỗ, cất nhà; săn bắt chim, thú rừng, hái, lượm lâm sản phụ để cải thiện bữa ăn; phát rừng mở rộng diện tích sản xuất hay sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để đánh bắt cá… dẫn đến vi phạm pháp luật liên quan đến quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản hoặc quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Hậu quả đáng tiếc xảy ra, không ít người dân bị xử lý lý vi phạm hành chính, nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS), lĩnh án.

Trước tình hình trên, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ động, thực vật hoang dã, quý hiếm; ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn rủi ro từ việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế, vật liệu nổ thông qua việc tuyên truyền pháp luật; họp triển khai quyết định quy hoạch rừng để thông báo cho người dân biết khu vực bảo vệ nghiêm ngặt; vận động người dân giao nộp các vũ khí, vật liệu nổ; khuyến khích thôn, bản đưa các quy định, chế tài có nội dung liên quan đến việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm vào quy ước, hương ước thôn bản; tuyên truyền, vận động người dân đưa đất vào khoanh nuôi rừng tái sinh, trồng rừng có chi trả phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng, cắm biển báo đối với khu vực được chi trả phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng; giao rừng cho UBND xã, Hạt Kiểm lâm, thôn bản trực tiếp quản lý, giám sát,...

Mặc dù vậy vẫn có nhiều vụ việc người dân vi phạm pháp luật đáng tiếc xảy ra. Nguyên nhân, ngoài các yếu tố chủ quan, còn có khách quan như địa bàn rộng chủ yếu là đồi núi gây trở ngại khó khăn trong công tác kiểm tra, theo dõi, quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng. Người dân vẫn còn thói quen, phong tục, tập quán lạc hậu; đời sống còn nhiều khó khăn, cũng như hiểu biết pháp luật còn hạn chế.

Có thể kể đến một số vụ án điển hình như năm 2020, Vàng A T., trú tại xã P.G (huyện Điện Biên Đông) và các đồng phạm bị TAND tỉnh Điện Biên xét xử, xử phạt tù về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ”.

Năm 2020, 2021, Lò Văn T ở xã P.L (huyện Điện Biên), Cháng A V. (ở tại xã S.P.P, huyện Nậm Pồ), Thào A D. trú tại xã Q.L (huyện Mường Nhé)… sử dụng súng kíp khi đi săn thú rừng vô tình bắn chết người bị kết án về tội “Vô ý làm chết người”.

Gần đây nhất, vào cuối năm 2021, tại khu vực rừng phòng hộ thuộc khoảnh 4 - tiểu khu 414B1 thuộc địa phận bản Na Cô Sa 4, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện – là khu vực các hộ dân bản Na Cô Sa 2, xã Na Cô Sa thường chăn thả trâu và gọi là “trại trâu” đã bị một số người dân bản Na Cô Sa sử dụng các công cụ như dao quắm, cưa hạ cây trên diện rộng nhằm mục đích lấy đất sản xuất và cho cỏ mọc tự nhiên để chăn thả trâu.

Quá trình kiểm tra, xác minh, Hạt Kiểm lâm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nậm Pồ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định khởi tố đối với 11 bị can có hành vi “Hủy hoại rừng” theo Điều 243 Bộ luật Hình sự; UBND huyện Nậm Pồ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những người có hành vi chặt phá rừng theo thẩm quyền.

Hiểu được thực trạng, nguyên nhân, hoàn cảnh... của những trường hợp vướng vào vòng lao lý. Quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho Sùng A.C, Sùng A.N và Sùng A T. – nằm trong số những người bị khởi tố về tội Hủy hoại rừng, các trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý được Trung tâm trợ giúp pháp lý cử tham gia tố tụng đã giải thích pháp luật, động viên người bị buộc tội thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng và tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả để được giảm nhẹ, khoan hồng.

Tại phiên tòa xét xử công khai ngày 21/9/2022, Hội đồng xét xử đã ghi nhận đề xuất của người bào chữa, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuyên phạt các bị cáo tội Hủy hoại rừng theo khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự, cho các bị cáo được áp dụng hình phạt chính cải tạo không giam giữ, miễn khấu trừ thu nhập và không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền do điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Bên cạnh việc bào chữa giảm nhẹ hình phạt, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác cho người bị buộc tội trong các vụ án, người bào chữa còn giải thích pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý và những người thân thích của họ.

Vụ việc N, T, C cũng như 8 người dân bản Na Cô Sa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại rừng cũng như nhiều vụ việc vi phạm pháp luật khác liên quan đến vi phạm quy định về khai thác, quản lý, bảo vệ rừng, lâm sản; quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ trong thời gian qua đặt ra nhiệm vụ đối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trên địa bàn cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý; có biện pháp phù hợp, thiết thực hơn để tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Qua những vụ án đáng tiếc trên cũng là bài học cho người dân về ý thức chấp hành pháp luật.

Nguyễn Thị Thu Huyền

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vi-pham-dang-tiec-do-thoi-quen-va-thieu-hieu-biet-phap-luat-post455965.html