Vi phạm đê điều ngày càng phức tạp:Cần xử lý kiên quyết, mạnh mẽ hơn
Dù các cấp, các ngành đã chỉ rõ sai phạm, có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng một số địa phương vẫn để phát sinh vụ việc, chưa xử lý dứt điểm vi phạm. Nghiêm trọng hơn, thời gian gần đây, nhiều kiểm soát viên đê điều của Hà Nội còn bị hành hung, đe dọa trong khi thực hiện nhiệm vụ... Việc này cần sự vào cuộc kiên quyết, mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng.

Kiểm soát viên đê điều Hạt Quản lý đê số 4 kiểm tra tình hình vi phạm pháp luật đê điều tại bãi sông Hồng, đoạn phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm).
Hành hung, đe dọa kiểm soát viên đê điều
Không chỉ làm nhiệm vụ chứa lũ, thoát lũ, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân, hệ thống đê điều, bãi sông còn tạo ra hệ sinh thái cảnh quan, môi trường quan trọng cho Thủ đô. Để bảo vệ các bãi sông, lãnh đạo các hạt quản lý đê đã và đang thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tình hình vi phạm tại các bãi sông của Hà Nội diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, thời gian gần đây, tại một số bãi sông, kiểm soát viên đê điều Hà Nội còn bị hành hung, đe dọa an toàn tính mạng trong khi thực thi công vụ.
Gần đây nhất, khoảng 11h ngày 5-3-2025, anh N.T.T (kiểm soát viên đê điều của Hạt Quản lý đê số 4, Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) đang làm nhiệm vụ kiểm tra diễn biến công trình đê điều, bờ bãi sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) thì bị một nam giới lạ mặt bất ngờ chặn xe, đấm vào vùng mặt, vùng đầu làm choáng váng, gục ngã tại chỗ, phải điều trị tại Bệnh viện Nam Thăng Long... Trước đó, sáng 25-11-2024, chị N.T.T (kiểm soát viên đê điều của Hạt Quản lý đê số 13) bị một nam giới đánh vào vùng mặt, cướp điện thoại, lăng mạ... khi đang sử dụng điện thoại ghi lại hình ảnh xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ, bảo vệ đê tả Đáy (đoạn ngay sát sân bóng cỏ nhân tạo Cường Xuân, thuộc địa phận thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức).
Trước nữa, chiều 19-11-2024, hai nữ kiểm soát viên đê điều của Hạt Quản lý đê số 7 bị hai người đàn ông đi xe máy không gắn biển số, đeo khẩu trang áp sát đe dọa trên đường tới kiểm tra công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê hữu Hồng và kè Cát Bi (thuộc địa bàn thôn Cát Bi, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên)...
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo, kiểm soát viên các hạt quản lý đê của thành phố còn phản ánh, thời gian gần đây thường bị đối tượng không quen biết theo dõi, đe dọa trong quá trình kiểm tra địa bàn và cả khi tham gia giao thông... Địa phương nào càng quyết liệt trong xử lý vi phạm, tần suất kiểm soát viên đê điều bị đe dọa càng tăng... “Để ổn định tinh thần, hoàn thành nhiệm vụ được giao, chúng tôi rất mong Công an thành phố Hà Nội cơ sở quận Bắc Từ Liêm, Công an phường Thượng Cát điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối tượng hành hung anh N.T.T...”, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 4 Vũ Văn Ảnh kiến nghị.
Trước tình hình trên, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã có văn bản đề nghị Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối tượng đã hành hung, chiếm đoạt tài sản, đe dọa công chức, viên chức các hạt quản lý đê; đồng thời hỗ trợ bảo đảm an toàn cho lực lượng kiểm soát viên đê điều trong quá trình thực thi nhiệm vụ...
Nhiều vi phạm chưa xử lý triệt để
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, tình hình vi phạm pháp luật đê điều đang phức tạp, nhất là khu vực bãi sông. Ba tháng đầu năm 2025, trên địa bàn thành phố phát sinh 16 vụ vi phạm pháp luật đê điều, trong đó: Huyện Thường Tín 7 vụ, quận Long Biên 5 vụ, quận Hoàng Mai 3 vụ, huyện Phú Xuyên 1 vụ. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Nguyên có hành vi đổ bê tông giằng móng, dựng cột sắt, lợp mái tôn công trình trên bãi sông Hồng - đoạn thuộc xã Trần Phú (quận Hoàng Mai)... Mặc dù cơ quan chức năng đã lập biên bản, gửi hồ sơ vụ việc, có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng đến nay, các địa phương mới xử lý dứt điểm 1 vụ, tồn đọng 15 vụ. Đặc biệt, một số địa phương chưa xử lý xong các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2024, Thanh tra thành phố Hà Nội năm 2021.
Để bảo đảm an toàn công trình phòng chống lũ, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã yêu cầu các hạt quản lý đê thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, thường xuyên bám sát địa bàn quản lý, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, thiết lập hồ sơ, kiến nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền, quy định pháp luật...
Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đề nghị, các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, kết luận thanh tra của các cấp, các ngành. Trong đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về chấp hành quy định pháp luật, trách nhiệm bảo vệ hệ thống đê điều; quyết liệt xử lý vi phạm phát sinh, tồn đọng trên địa bàn; quản lý chặt chẽ bãi sông, không để xảy ra tình trạng mua bán, chiếm, chuyển mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái pháp luật... Bên cạnh đó, các địa phương xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm mà không kiên quyết, xử lý dứt điểm...
Việc bảo vệ hệ thống đê điều là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị. Vì vậy, bất kỳ ai có hành vi xâm hại hệ thống đê điều cũng cần phải bị lên án và nghiêm trị.