Vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn nhiều
Hiện nay, tại nhiều khu vực, từ thành thị đến nông thôn, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (đường dây từ 22kV trở lên) vẫn còn diễn ra khá phổ biến do xây dựng trái phép, lắp đặt bảng hiệu quảng cáo, trồng cây...
Việc này làm tăng nguy cơ mất an toàn về điện, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, cũng như sức khỏe, tính mạng của người dân.
* Nguy cơ mất an toàn cao
Theo phản ảnh của bạn đọc gửi đến Báo Đồng Nai, trên một số tuyến đường ở TP.Biên Hòa như Bùi Văn Hòa (đoạn qua các phường: An Bình, Long Bình), đường Phạm Văn Thuận (đoạn qua P.Tân Mai) nhiều biển hiệu, biển quảng cáo được lắp đặt sát với đường điện cao áp. Thậm chí, một số khu vực người dân còn xây tường rào bao quanh cột điện trên vỉa hè, vô tình chắn lối tiếp cận đường dây phía trên của nhân viên ngành điện khi có sự cố do điện xảy ra.
Tuy nhiên, không ít người còn chủ quan khi đặt biển hiệu quảng cáo gần đường điện cao áp. Ông C.T.P. (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết: “Nhiều hộ dân ở đây dựng bảng hiệu quảng cáo sát đường điện, lúc thi công không nghe cảnh báo. Vả lại tôi dựng bảng hiệu làm ăn chứ có phải xây nhà đâu mà phải xin phép rồi chờ cấp phép”.
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, khi người dân xây dựng, lắp hàng rào, lắp biển hiệu quảng cáo che chắn, vây quanh cả cột điện là vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Việc này sẽ cản trở quá trình thi công, sửa chữa hệ thống điện khi có sự cố xảy ra. Nếu không có biện pháp can thiệp và xử lý dứt điểm tình trạng này dễ dẫn đến nguy cơ về chập điện, cháy, nổ.
Tại các khu vực vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, khi xảy ra sự cố chập điện, cháy nổ…, các nhân viên điện lực, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ rất khó tiếp cận để xử lý.
* Phối hợp trong xử lý vi phạm
Trước tình trạng này, ông Lê Minh Dũng, kỹ sư an toàn Điện lực Biên Hòa 2, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho hay: “Việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện ngoài việc gây nguy hiểm cho người dân ngay bên dưới còn làm ảnh hưởng đến công tác vận hành lưới điện. Công nhân không thể leo lên xử lý sự cố kịp thời vì vướng các công trình của người dân, chưa kể việc leo lên mái nhà còn rất nguy hiểm vì vướng các công trình phụ, bảng hiệu”.
Chỉ tính riêng năm 2019, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai ghi nhận 13 sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Trong đó, lưới điện 110kV xảy ra 4 sự cố, lưới điện 22kV xảy ra 8 sự cố với nguyên nhân chủ yếu là người dân chặt cây ngả vào dây, vật bay vào đường dây, phương tiện cơ giới làm gãy trụ... Các sự cố nêu trên dẫn đến tình trạng mất điện, hư hại đường dây, trụ, ảnh hưởng đến đời sống người dân và quá trình sản xuất.
Hiện nay, tại Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu rõ, phạt tiền từ 1-50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định an toàn điện. Ngoài hình thức phạt tiền thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm...
Căn cứ vào đó, ngành điện và cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã phối hợp xử lý nhiều trường hợp vi phạm hành lang an toàn điện, chủ yếu là các công trình xây dựng trái phép lấn chiếm hành lang an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phối hợp xử lý còn gặp nhiều khó khăn vì ngành điện không phải là cơ quan ra quyết định phạt mà chính là cơ quan chức năng địa phương.
Một số địa phương cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thì ngành điện có thể phối hợp với ngành chức năng, các địa phương thông báo chiều cao và khoảng cách an toàn lưới điện ứng với các tuyến đường, khu phố. Nếu thông tin này thể hiện được trên các bản đồ trực tuyến về quy hoạch đất đai nữa thì càng thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân từng khu vực có thể nắm bắt thông tin, tránh tình trạng xây dựng, lắp bảng hiệu quảng cáo, trồng cây... vi phạm hành lang an toàn lưới điện.