Vi phạm lâm luật tăng so với cùng kỳ
Đó là thông tin được ông Phùng Khắc Đồng - Chánh văn phòng (người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng) thông tin tại cuộc họp báo định kỳ tháng 9, do Sở TT&TT tổ chức vào chiều 27/09.
Tình hình lấn chiếm đất rừng, phá rừng có chiều hướng gia tăng số vụ so với cùng kỳ. Theo thông tin của các cơ quan điều tra, tuy quy mô của các vụ vi phạm không lớn nhưng hành vi của các đối tượng lại vô cùng manh động và coi thường luật pháp. Mới đây nhất là vụ phá rừng phòng hộ khu vực xã Đạ K’nàng (huyện Đam Rông), khi các đối tượng ngang nhiên mang theo 3 máy xúc lớn vào san bạt đường be, chặt cây trên diện tích hơn 2,5 héc ta.
Một trong những vấn đề được các phóng viên của các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh quan tâm nữa đó là việc hơn nhiều cá nhân, hộ tại khu vực phường 10 tiến hành xây dựng trái phép trên đất nông, lâm nghiệp từ nhiều năm qua.
Ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt cho biết: “Khu vực Dinh 1 (phường 10) có 27 hộ tiến hành xây dựng nhà ở trái phép từ năm 2015. Mỗi năm thì lại tiến hành ken cây, đào đất đá, san bạt trái phép để lấn chiếm thêm diện tích, nhiều hộ thì tiến hành xây dựng mở rộng, làm chuồng trại. Hiện tại, UBND TP đã làm việc với Công ty Hoàn Cầu (đơn vị chủ đầu tư khai thác du lịch khu vực Dinh 1) để tiến hành đo đạc, sớm đền bù, giải tỏa để giao lại mặt bằng. Khu vực này, có một số đối tượng cộm cán, có hành vi chống đối, tự ý lấn chiếm nên UBND TP cũng đã giao cho Công an TP.Đà Lạt điều tra làm rõ.
Với vấn đề rác thải nhựa và rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, UBND TP.Đà Lạt cũng đang tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt để tuyên truyền, hướng dẫn người dân bỏ đúng nơi quy định, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp khoa học để xử lý triệt để ô nhiễm.
Trước thông tin, nhà đầu tư chợ Bảo Lộc cho tiến hành xây thêm 28 kios (kết cấu 2 tầng) án ngữ phía trước mặt tiền của chợ, công trình dang dở tạo ra sự nhếch nhác và gây mất mỹ quan cho công trình quan trọng của thành phố này. Với quy mô 700 quầy sạp, nhưng mới chỉ có khoảng 80% quầy sạp có người kinh doanh, nhưng chủ đầu tư lại xin điều chỉnh dự án để xây thêm ông Lê Quang Trung - GĐ Sở Xây dựng Lâm Đồng giải đáp: “Chợ Bảo Lộc do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ VAT làm chủ đầu tư, ngoài hạng mục chính là chợ lớn, với các diện tích xung quanh trong khu chợ, nhà đầu tư cũng đã có giấy phép xin điều chỉnh dự án và đã được phê duyệt. Tuy nhiên nếu như công trình gây mất mỹ quan, phản cảm chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và điều chỉnh về mặt kiến trúc”. Được biết chợ Bảo Lộc là công trình được tiến hành xây dựng thông qua thi tuyển kiến trúc và là thiết kế đã đạt giải.
Cũng tại TP.Bảo Lộc, vụ việc nhà đầu tư khu du lịch Đôi Dép tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng khi chưa có giấy phép đã gây bức xúc trong dư luận, ông GĐ Sở Xây dựng cho biết: “Nhà đầu tư đã làm không đúng trình tự các thủ tục đầu tư, xây dựng, khai thác. Tỉnh cũng đã tiến hành xử lý xử phạt. Hiện tại nhà đầu tư cũng đã chấp hành và tiến hành làm các thủ tục cần thiết để được cấp phép. Riêng với UBND TP.Bảo Lộc đã xử lý không đúng thẩm quyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho UBND TP thu hồi quyết định.
Cũng liên quan đến vấn đề xây dựng. Dù đã có quyết định không được xây dựng các kios phía mặt tiền, nhưng chủ đầu tư của Bến xe Di Linh vẫn không chấp hành và cho tiến hành xây trái phép. Theo Sở Xây dựng, nếu đến hạn chủ đầu tư không tiến hành tháo dỡ thì sở và phía địa phương sẽ tiến hành xử lý theo quy định.
Được biết, theo quy định Bến xe Di Linh là bến xe loại 3, nhà đầu tư được phép khai thác ngoài chức năng chính nhưng không quá 3%, Sở Xây dựng cấp phép nhưng các công trình dịch vụ thì do địa phương quyết định.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/201909/vi-pham-lam-luat-tang-so-voi-cung-ky-2966019/