Vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai
Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, việc quản lý những vi phạm liên quan đến đê điều, phòng chống thiên tai trên đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội, đặc biệt là khu vực Bãi Giữa sông Hồng hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc.
Báo CAND trong các ngày từ 4 đến 7/4 đã đăng tải chuyên đề “Sôi động sóng ngầm thị trường “bất động sản Bãi Giữa” sông Hồng” phản ánh tình trạng mua bán trái phép núp bóng chiêu bài “đất khai hoang”; xây dựng trái phép tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng, đoạn qua quận Tây Hồ và Long Biên.
Sau khi đăng tải, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi từ độc giả, trong đó có nhiều ý kiến lo ngại về bất cập trong quản lý đất đai của chính quyền địa phương, đến hệ lụy khi triển khai Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Đặc biệt, Báo còn nhận được phản ánh về việc tình trạng dựng nhà, lều lán trái phép tại Bãi Giữa đã xảy ra từ rất nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc quản lý đê điều, hành lang thoát lũ của sông Hồng, đoạn qua nội thành Hà Nội.
Vi phạm ngày càng nhức nhối
Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, việc quản lý những vi phạm liên quan đến đê điều, phòng chống thiên tai trên đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội, đặc biệt là khu vực Bãi Giữa sông Hồng hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc.
Cũng theo đơn vị này, nhiều năm gần đây, trên tuyến sông Hồng không xảy ra lũ lớn, các khu vực Bãi Giữa có độ cao, các lạch cạn ven bờ có xu thế bồi đã nảy sinh tư tưởng chủ quan của người dân cũng như chính quyền địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất Bãi Giữa sông Hồng.
Khu vực Bãi Giữa tại các địa bàn giáp ranh thuộc địa giới quản lý của nhiều phường, quận (phường Tứ Liên và Yên Phụ (quận Tây Hồ); phường Phúc Xá (quận Ba Đình); phường Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); phường Ngọc Thụy (quận Long Biên)…), nên việc phân định ranh giới trên thực địa gặp nhiều khó khăn.
Có một thực tế là công tác quản lý đối với diện tích đất thuộc khu vực Bãi Giữa chưa được các địa phương quan tâm, đã dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, trật tự xây dựng. Tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và mức độ. Đó là việc các hộ dân tự ý dựng lều lán tạm với kết cấu chủ yếu là khung cột tre, mái lá, vách liếp, diện tích từ 15-25m, một số lều lán có tính chất xây dựng kiên cố như: Nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép, mái và vách lợp tôn, cổng sắt…
Bên cạnh đó, còn là tình trạng trồng nhiều loại cây lâu năm, cây thân gỗ như: Xoan, bưởi, nhãn… Nghiêm trọng hơn là đã và đang xảy ra tình trạng mua bán đất trái pháp luật tại khu vực này như Báo CAND đã có loạt bài điều tra phản ánh rất rõ.
Theo Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016: Phạm vi khu vực giữa hai đê là không gian thoát lũ của tuyến sông (bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa 2 đê), vì vậy các hoạt động tại khu vực này phải đảm bảo an toàn thoát lũ, nhất là vào mùa lũ và không được làm ảnh hưởng đến thoát lũ tuyến sông Hồng.
“Việc dựng lều lán có tính chất xây dựng kiên cố như: Nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép, mái và vách lợp tôn, cổng sắt, tập kết vật liệu xây dựng, trồng cây lâu năm tại khu vực này là vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai. Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật; các địa phương đã tổ chức ra quân xử lý, song đến nay các vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tình trạng vi phạm tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, thách thức pháp luật, gây bức xúc trong dư luận”, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng phụ trách cho biết.
Đừng đợi thiên nhiên nổi giận…
Trong quá trình đi tìm hiểu về hoạt động mua bán đất trái phép tại Bãi Giữa, nhóm phóng viên không chỉ tận mắt chứng kiến hoạt động dựng nhà, xây móng tại đây, mà còn nhìn tình trạng đổ đất, chất thải lấn sông Hồng. Điển hình nhất là đoạn bờ sông Hồng qua phường Tứ Liên, quận Tây Hồ - Khu vực có những vườn quất san sát. Thật xót xa khi thấy ở Bãi Giữa thì người ta dựng nhà, trồng cây lâu năm; còn ven bờ thì đổ đất lấn sông. Những việc làm này đã khiến cho con sông Mẹ đầy huyền thoại chảy ra Thủ đô bị tàn phá nặng nề, cản trở dòng chảy và nhỡ nay mai lũ về thì không biết làm thế nào để ứng phó với các sự cố thiên tai.
Theo như thông tin của Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, những vi phạm này đã diễn ra từ nhiều năm, thế nhưng tại sao vẫn không thể xử lý dứt điểm? Xung quanh câu chuyện này, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng phụ trách cho biết, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc các quy định để xử lý những vi phạm này còn nhiều bất cập.
Đơn cử như Điều 20 Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều nhưng thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Tuy vậy, trong nghị định lại không quy định hay phân biệt về quy mô, tính chất công trình xây dựng như công trình tạm (lều lán, quán hàng), công trình phụ (tường rào, trụ cổng, xây bếp, chuồng trại, sân, mái che, mái vẩy…), công trình nhỏ lẻ (chôn cột điện, chiếu sáng, lắp đặt biển báo, biển quảng cáo…), công trình nhà ở, công trình xây dựng quy mô lớn…
Do quy định thẩm quyền xử phạt các hành vi nêu trên thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh, gây khó khăn cho chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện trong công tác xử lý vi phạm, khó xử lý ngay từ khi phát sinh do vượt thẩm quyền.
Đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi như lợi dụng kẽ hở hay khoảng trống pháp luật, lợi dụng ngày nghỉ, lễ, Tết để thực hiện hành vi vi phạm hành chính (điển hình là các hành vi xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê điều, xây dựng công trình ở bãi sông, để vật liệu ở bãi sông gây cản trở dòng chảy thoát lũ…). Đến khi phát hiện, lập biên bản thì vi phạm đã phát triển vượt thẩm quyền của chính quyền địa phương, gây khó khăn cho công tác xử lý.
“Bên cạnh đó còn có nguyên nhân nữa là chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc xử lý dứt điểm các vi phạm, để tình trạng vi phạm kéo dài, diễn biến ngày càng phức tạp, với quy mô lớn và vượt thẩm quyền xử lý của chính quyền cấp quận”, ông Mẫn cho hay.
Ông Mẫn cũng cho rằng, tình trạng vi phạm xây dựng công trình trái phép tại khu vực bãi sông như: Xây dựng lều lán, nhà cửa tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng, cũng như khu vực bãi bồi ven sông đã và đang diễn biến hết sức phức tạp. Nếu không được ngăn chặn, xử lý dứt điểm, sẽ làm giảm không gian thoát lũ, chứa lũ, dẫn đến hệ lụy khôn lường trong trường hợp xảy ra lũ lớn, cũng như làm ra tăng ô nhiễm môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận.
Do đó, giải pháp xử lý tình trạng vi phạm tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng, ông Mẫn cho rằng cần phải triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 30/3/2021 của UBND thành phố về công tác phòng ngừa, ngăn chăn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 13/8/2020 của UBND Thành phố ban hành “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP Hà Nội”.
Trong đó, UBND các quận cần tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm (thanh thải các công trình có tính chất xây dựng và trồng cây lâu năm… đảm bảo không gian thoát lũ sông Hồng) ngay từ khi vi phạm mới phát sinh, không để đến khi vi phạm phát triển gây khó khăn trong công tác xử lý. Giải tỏa, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi mua bán đất trái pháp luật tại khu vực bãi giữa sông Hồng.
UBND các quận chỉ đạo lực lượng Công an quận, Công an phường phối hợp với UBND các phường có liên quan rà soát, lập hồ sơ về đất đai và nhân khẩu sinh sống tại khu vực bãi giữa sông Hồng, tăng cường quản lý hành chính về đất đai và nhân khẩu để đảm bảo an ninh, trật tự khu vực.
Tuyên truyền sâu rộng đến các hộ gia đình đang được giao quản lý, canh tác tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, đất đai, không xây dựng công trình, không trồng cây lâu năm tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng. Kiên quyết thu hồi, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với phần diện tích đất sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Mở đợt cao điểm tổng kiểm tra tình hình khai thác, sử dụng đất; xây dựng công trình tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng thuộc địa bàn quản lý; ngăn chặn, giải tỏa ngay và xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật...
Sông Hồng đã từng có những trận lũ lụt kinh hoàng. Thiên nhiên ngày càng diễn biến bất thường, khó đoán định. Với tình trạng xâm phạm nghiêm trong hành lang thoát lũ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội như hiện nay, điều gì sẽ xảy ra nếu thiên nhiên nổi giận? Sẽ không bao giờ là quá muộn khi Hà Nội có giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2020, UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) xử lý khoảng 20 trường hợp dựng nhà, lều lán trái phép tại Bãi Giữa, vi phạm Luật Đê điều, còn tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), từ đầu năm đến nay đã xử lý 10 trường hợp.
Cách xử lý của các địa phương trên thường là tháo dỡ công trình, yêu cầu trả lại nguyên trạng. Có một số trường hợp lập biên bản để làm hồ sơ xử lý vi phạm, tuy nhiên thẩm quyền xử lý vượt cấp nên phải trình cấp cao hơn. Đáng tiếc là dù chính quyền địa phương có tham gia xử lý, nhưng những công trình vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ vẫn tồn tại ngang nhiên tại Bãi Giữa sông Hồng.