Vi phạm nhãn hiệu có thể gây sập đổ một doanh nghiệp, làm biến mất một thương hiệu
Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều nay (20-10), các đại biểu thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án luật nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, việc ban hành luật cũng đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 BLTTHS về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 BLTTHS về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, theo tờ trình, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đề nghị: Sửa đổi khoản 1 Điều 155 BLTTHS: bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự (BLHS) để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; sửa đổi khoản 8 Điều 157 của BLTTHS: bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của BLHS, theo đó, việc không có yêu cầu khởi tố của bị hại không được xác định là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của BLHS.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng:khoản 1Điều 226 BLHS quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối vớicảnhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.Điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý màkhông cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vềnhãn hiệu, hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý.
Như vậy, nếu sửa đổi, bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến toàn bộ khoản 1 Điều 226 của BLHS như đề nghị của VKSNDTC thì sẽ mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP.
Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của BLTTHS để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 của BLHS về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý vì cho rằng: Thứ nhất là chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay, đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý (thuộc loại tội ít nghiêm trọng). Thực tiễn thực hiện các quy định này theo hướng thuận lợi, hiện nay chỉ phát sinh vướng mắc duy nhất là BLTTHS chưa tương thích với Hiệp định CPTPP. Thứ hai, xuất phát từ mục đích xây dựng dự án luật là bảo đảm cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, do đó, chỉ thực hiện đúng phạm vi yêu cầu của hiệp định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt vấn đề đối với chỉ dẫn địa lý.
Theo đại biểu Vũ Ngọc Long, từ tình hình thực tiễn và yêu cầu của pháp luật phải có tính dự báo. Vì vậy, đại biểu tán thành đề nghị của VKSNDTC vì BLHS quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trên cơ sở xác định các hành vi này có đặc điểm, tính chất, mức độ nguy hiểm tương đồng, do đó cần được áp dụng thống nhất về chính sách xử lý.
Mặt khác, lý lẽ cho rằng tội xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý là tội ít nghiêm trọng. Do đó, phải căn cứ yêu cầu từ người bị hại mới khởi tố vụ án theo đại biểu Vũ Ngọc Long là chưa thuyết phục.
Vì khi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý thì người làm hàng giả thu lợi bất chính không lớn nhưng hậu quả mang lại cho nhãn hiệu đó, doanh nghiệp đó vô cùng lớn, khó đong đếm được. Nếu không cân nhắc đến chỉ dẫn địa lý thì gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước và các tỉnh, thành vì chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương như trà Thái Nguyên, nước mắm Phú Quốc, hạt điều Bình Phước, tiêu Lộc Ninh…
Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Từ những lý do trên, đại biểu Vũ Ngọc Long thống nhất quan điểm đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 155 của BLTTHS: bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của BLHS để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; sửa đổi khoản 8 Điều 157 của BLTTHS: bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của BLHS. Theo đó, việc không có yêu cầu khởi tố của bị hại không được xác định là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của BLHS.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê vẫn chưa bổ sung quy định về thời gian cập nhật thông tin số liệu thống kê trên cổng thông tin dữ liệu quốc gia để làm cơ sở phục vụ cho doanh nghiệp, người dân và các tổ chức dựa vào số liệu thống kê để làm kế hoạch phát triển riêng mình song song với kế hoạch phát triển của đất nước. Vì vậy, ban soạn thảo cần rà soát bổ sung vào dự luật.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê chỉ mới sửa đổi một số nội dung lớn nhằm thực hiện các cam kết với các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong khi đó vẫn còn nhiều bất cập cần sửa đổi. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng chỉ ra nhiều chỉ tiêu, danh mục còn trùng lặp, ban soạn thảo chưa rà soát phân nhóm cho thống nhất, từ đó mới xác định được các danh mục, chỉ tiêu thống kê, một số chỉ tiêu thống kê chưa sát với thực tế, cần bám sát các luật, các chính sách pháp luật mà chúng ta đã ban hành.