'Vi phạm nồng độ cồn chủ yếu là người đi ra từ những quán bia'
Là đơn vị đứng đầu toàn thành phố về xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Kế hoạch cao điểm của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông, từ 20-6 đến 20-9-2022, Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội cho biết, sau một thời gian xử lý, số trường hợp vi phạm chủ yếu đi ra từ các quán bia.
Số liệu thống kê cho thấy, sau 3 tháng triển khai cao điểm xử lý các vi phạm giao thông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, Đội Cảnh sát giao thông số 6, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý tổng số 596 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; vượt quá tốc độ là 220 trường hợp; phương tiện chở quá khổ, quá tải, cơi nới kích thước thành thùng là 214 trường hợp; tổng kiểm tra, xử lý 4.401 trường hợp vi phạm, phạt tổng số tiền gần 4,7 tỷ đồng.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 6 cho biết, địa bàn quản lý của đơn vị gồm quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và một phần quận Bắc Từ Liêm. Trên địa bàn có nhiều nhà hàng và quán bia hơi có quy mô rộng. Do vậy, Đội đã tập trung các tổ công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình để bố trí cán bộ chiến sĩ cho phù hợp.
“Thời gian đầu, số lượng người vi phạm cao do thói quen sử dụng rượu bia sau đó vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông của người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian, tình trạng vi phạm này giảm hẳn, đặc biệt là với nhóm người tổ chức ăn nhậu tại các nhà hàng. Đây là nhóm người có thu nhập cao, có vị trí trong công việc nên thường sẽ thuê taxi, hoặc có lái xe riêng.
Còn đa số những trường hợp vi phạm đều từ những quán bia hơi. Thời gian triển khai cao điểm, thời tiết nóng bức nên người dân có xu hướng tụ tập uống bia sau giờ làm việc, dẫn tới lượng người vi phạm cao” - Thiếu tá Trần Quang Chinh thông tin.
Trong quá trình các tổ công tác làm nhiệm vụ, cũng có không ít những trường hợp vượt quá mức kịch khung (0,4mg/lít khí thở). Cá biệt có những người vi phạm trên 1mg/lít khí thở. Những trường hợp này thường không làm chủ được hành vi, nên tổ công tác lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện và gọi người nhà đến đón.
“Hôm sau người vi phạm đến nộp phạt còn không thể nhớ được là đã xảy ra chuyện gì. Điều này rất nguy hiểm, vì nếu như uống say đến mức này mà điều khiển phương tiện rất dễ xảy ra tai nạn giao thông” - Cán bộ tổ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn thông tin thêm.
Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 khẳng định, không dừng lại ở cao điểm, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục triển khai việc tuần tra kiểm soát, theo dõi mật phục kết hợp với cắm chốt công khai xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Theo Chỉ huy Đội, phải quyết liệt, triệt để thì về lâu dài mới đi vào tiềm thức mỗi người dân.
“Có thể hiện tại họ chấp hành vì sợ mất tiền nộp phạt, ví dụ vi phạm ở mức 3 với xe máy phạt 7 triệu đồng, với ô tô là 35 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu kết thúc cao điểm mà lơ là thì tình trạng vi phạm sẽ lại tiếp tục tái diễn” - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 nhìn nhận.