Vi phạm quy định an toàn thực phẩm có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân và chất lượng giống nòi dân tộc. Vì thế, bảo đảm ATTP luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

 Ảnh minh họa: Kiều Trang

Ảnh minh họa: Kiều Trang

Luật sư Lê Hồng Linh - Công ty Luật TNHH An Ninh - cho biết, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2010 đã quy định: "Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ATTP", "Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ATTP", "Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về ATTP", "Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trong phạm vi địa phương".

Bên cạnh đó, theo phân công tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng.

Về tổ chức bộ máy nhà nước thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các Bộ ngành có các đầu mối như: Cục An toàn thực phẩm thuộc (Bộ Y tế), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (nay là Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tại các địa phương, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh là các cơ quan chức năng thuộc 3 Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Riêng tại 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, Tỉnh Bắc Ninh đã được triển khai thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh.

Tại tuyến huyện/thị, phân công Phòng Y tế quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Phòng Kinh tế quận hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp.

Tuy nhiên, chính vì có nhiều đầu mối quản lý ATTP dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo thẩm quyền, do đó, Chỉ thị 17 đã nêu rõ nhiệm vụ: "Cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này" - Luật sư Lê Hồng Linh thông tin.

Nguyên tắc quản lý ATTP

Cũng theo Luật An toàn thực phẩm, công tác quản lý ATTP tại Việt Nam được tổ chức, triển khai nhất quán và hệ thống theo 5 nguyên tắc:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.

- Quản lý ATTP phải trên cơ sở kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.

- Quản lý ATTP phải đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành.

- Quản lý ATTP phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với ATTP.

- Quản lý ATTP phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Xử lý vi phạm ATTP

Các hành vi vi phạm ATTP đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP và Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; một số hành vi khác sẽ áp dụng mức phạt tiền theo giá trị thực phẩm vị phạm, tối đa bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.

Ngoài mức phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc tiêu hủy thực phẩm, Buộc thu hồi thực phẩm, Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm, Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn, …

Ngoài ra, Bộ luật hình sự cũng quy định các tội danh liên quan như:

- Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm hoặc tù chung thân, pháp nhân vi phạm bị phạt tiền lên đến 18 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

- Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

4 biện pháp bảo đảm, nâng cao hiệu quả quản lý về ATTP

- Hoàn thiện và vận hành có chất lượng hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức quản lý ATTP.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm. Có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

- Tiếp tục và đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

- Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của cả cơ quan quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm về vấn đề ATTP.

Bài và ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-pham-quy-dinh-an-toan-thuc-pham-co-the-bi-phat-den-200-trieu-dong-20231008210644449.htm