Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ban hành Chỉ thị 15 về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Đây là chỉ thị thứ 5 của Thủ tướng kể từ khi dịch Covid-19 được phát hiện ở Việt Nam. Theo đó, Hà Nội và nhiều địa phương khác phải tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh từ ngày 28-3.

Luật sư Nguyễn Hoài Sơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới chiều 27-3, luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Luật Châu Á cho biết, căn cứ để các địa phương áp dụng chế tài đối với những cá nhân, cơ sở không chấp hành là Nghị định 176/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, căn cứ vào Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân nếu vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch, như không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch có thể bị phạt tới 10 triệu đồng.

Điều 11 của Nghị định nêu trên quy định như sau: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; không thông báo với UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch; thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 điều này.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Ngoài việc áp dụng các mức phạt như trên, cơ quan chức năng có thể yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định; buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác...

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/962482/vi-pham-quy-dinh-ve-ap-dung-bien-phap-chong-dich-co-the-bi-phat-toi-30-trieu-dong