Vi phạm quyền lợi người tiêu dùng: Đại biểu nêu ví dụ 'bia kèm lạc' khi mua ô tô
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 quốc hội khóa XV, sáng 2/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Sau gần 12 năm thi hành, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập.
Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Hiện nay có rất nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra liên tục, công khai. Lợi ích của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng nhưng đáp lại là sự thờ ơ, làm ngơ của cơ quan chức năng quản lý. Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi lần này đã quy định tới hơn hai mươi hành vi bị cấm để bảo vệ người tiêu dùng nhưng thực tế có thể chưa bao quát hết.
Ông TRỊNH XUÂN AN - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh: “Ví dụ chuyện chúng ta bán bia kèm lạc khi khan hiếm hàng ô tô, người tiêu dùng phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn, hàng trăm triệu để mua thêm các phụ kiện đi kèm, trả tiền chênh thêm để được lấy xe trước. Chuyện này cơ quan quản lý không phải là không biết. Thế rồi tất cả các xe của hãng Honda tại các Head bán chênh với giá niêm yết của hãng có khi lên đến cả mấy chục triệu. Chuyện này không phải là cơ quan quản lý, không biết. Chúng ta lại khai thuế theo giá niêm yết nhưng bán cho người dân với giá đội lên cao. Sự vi phạm công nhiên, công khai và kéo dài liên tục. Tôi nghĩ rằng các điều cấm này cần phải cụ thể thêm để xử lý được những hành vi vi phạm mang tính chất rõ rệt như vậy.”
Để người tiêu dùng không rơi vào thế yếu trong các giao dịch thì dự thảo luật lần này cần phải quy định rất rõ vai trò của cơ quan quản lý, nhất là cơ quan quản lý thị trường trong thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Thực hiện : Dương Dung Hồng Dũng