Vi phạm sẽ được báo trong 2 giờ, CSGT kiểm tra tất cả các giấy tờ qua hệ thống
CSGT đã tăng cường minh bạch, đầu tư nguồn lực, ứng dụng công nghệ vào công tác; phát triển trang thiết bị, sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo giám sát 24/24h để người dân tự giác chấp hành quy định, bảo vệ chính mình.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước xảy ra 9.398 vụ tai nạn giao thông, làm 5.293 người chết, 3.009 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, TNGT giảm cả 3 tiêu chí.
Cụ thể, giảm 24,25% số vụ 3,66% số người chết, giảm 33,9% số người bị thương. Lực lượng CSGT đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); ứng dụng khoa học trong công tác, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT.
3 mục tiêu của CSGT – lấy con người là trung tâm
Trao đổi về công tác bảo đảm TTATGT thời gian tới, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, có 3 mục tiêu lực lượng CSGT kiên quyết, kiên trì thực hiện đó là:
Thứ nhất, phấn đấu giảm tai nạn giao thông (TNGT) bền vững để đảm bảo an toàn cho mọi người khi ra đường.
Thứ 2, xây dựng lực lượng CSGT khi bước vào giai đoạn mới, đặc biệt là thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và những đổi mới, cải cách tập trung vào “tứ trụ cột” (4 nghị quyết đột phá gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới"; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.- PV).
Thứ 3, tham mưu để phát triển hạ tầng giao thông vận tải đảm bảo hài hòa giữa các lĩnh vực lĩnh vực vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình trao đổi công tác bảo đảm TTATGT với phóng viên.
Theo đó, CSGT xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, là chủ thể để xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông. Về vận tải, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình cho biết, ông đã cho anh em khảo sát việc vận tải hàng hóa trên tuyến Bắc – Nam bằng đường bộ và xác định, 1 phương tiện vận tải đi từ Tiền Giang đến Hà Nội mất 12 ngày theo tốc độ cho phép và đi an toàn.
“Nếu quãng đường, thời gian như vậy, thì hầu như việc vận tải không có lãi nếu không chở hàng hóa chiều ngược lại. Chính vì vậy, cần nghiên cứu phương thức vận tải tốt hơn, an toàn hơn, giá thành rẻ hơn như đường sắt, đường thủy thì việc sản xuất, kinh doanh của bà con mới mang lại lợi nhuận tối ưu và cũng sẽ góp phần giải quyết ùn tắc trên đường bộ” – Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình cho biết và chia sẻ việc trong đảm bảo ATGT phải tính toán phát triển phương tiện bảo vệ môi trường, giảm khí thải; giảm phương tiện cá nhân. Đặc biệt, là thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng ý thức xã hội, văn hóa tham gia giao thông an toàn; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đảm bảo TTATGT…
Đảm bảo TTATGT từ “gốc”
Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, việc đảm bảo TTATGT phải giải quyết vấn đề từ gốc. Cụ thể, người tham gia giao thông phải hiểu pháp luật, có ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương; giải quyết triệt để các vi phạm về ma túy, nồng độ cồn; xe chở quá khổ, quá tải; quản lý chặt chẽ, gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đối với phương tiện, lái xe…
Trong các đô thị, việc giải quyết ùn tắc giao thông phải giải quyết căn cơ từ quy hoạch; việc phân làn phải có căn cứ và nói rõ để người dân biết và phải có hệ thống giám sát. “Như việc phân làn trên một số tuyến đường ở Hà Nội vừa qua, do chưa có hệ thống giám sát đồng bộ nên lực lượng CSGT rất vất vả để hướng dẫn, xử lý” – Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình chia sẻ và cho biết, trên các tuyến cao tốc, tai nạn trên cao tốc chủ yếu do không giữ khoảng cách, dẫn tới đâm từ phía sau. Nhưng ở trên các tuyến đường bộ khác, cơ bản là đâm trực diện, nguyên nhân chủ yếu là xe phía sau buộc phải chiếm phần đường của xe đối diện để vượt. Tới đây, CSGT sẽ phải nghiên cứu rõ ràng, trả lời sòng phẳng và có giải pháp căn cơ từ gốc.

Hệ thống giám sát tại Trung tâm chỉ huy CSGT.

Cán bộ CSGT hướng dẫn an toàn giao thông cho trẻ em.
Một trong những nhiệm vụ sẽ được lực lượng CSGT thực hiện trong thời gian tới đó là đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đến tận cơ sở, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Theo đó, CSGT sẽ phối hợp với Công an cấp xã trực tiếp tuyên truyền cho người dân tại địa bàn dân cư bằng những nội dung cụ thể, “trực quan sinh động” để người dân dễ nhớ, dễ hiểu nhất. Bên cạnh đó, sẽ tập trung tăng cường phối hợp với các trường học tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATGT của học sinh, sinh viên.
Thay đổi tư duy phục vụ người dân
Thời gian qua, lực lượng CSGT cũng đã có bước chuyển mình rất lớn, đổi mới tư duy phục vụ nhân dân từ kiểm soát sang hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông an toàn, thuận lợi; từ kiểm soát thủ công sang giám sát qua thiết bị kỹ thuật đảm bảo ATGT…
Theo đó, CSGT đã tăng cường minh bạch, đầu tư nguồn lực, ứng dụng công nghệ vào công tác; phát triển trang thiết bị, sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo giám sát 24/24h để người dân tự giác chấp hành quy định, bảo vệ chính mình.

Cán bộ CSGT kiểm soát giao thông qua hệ thống giám sát.
“CSGT phấn đấu chỉ sử dụng con người trong những việc máy móc không làm được như kiểm soát nồng độ cồn; trực tiếp tuyên truyền, tuần tra, hướng dẫn giao thông; giải quyết các sự cố trên đường; giúp đỡ người bị nạn… Còn các công việc máy móc, thiết bị kỹ thuật làm được thì sẽ sử dụng thiết bị kỹ thuật, hạn chế việc CSGT phải ra đường và tiếp xúc trực tiếp với người dân” – Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh và cho biết, tất cả vi phạm được phát hiện qua hệ thống giám sát thuộc thẩm quyền của Cục CSGT sẽ được thông tin nhanh nhất tới người vi phạm - tối đa không quá 2 tiếng kể cả xe máy và ô tô. Trong đó, lực lượng chức năng sẽ xác định chủ xe vi phạm; yêu cầu chủ phương tiện sẽ phải giải trình. Như vậy, thời gian tới đây, những người nào bán xe hoặc cho tặng thì đều phải sang tên, chứ không có chuyện trao tay và không có trách nhiệm với chiếc xe đó nữa. Trong trường hợp chủ xe chứng minh được rằng người khác sử dụng xe vi phạm, thì người sử dụng đó sẽ bị phạt.
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, vùng đăng ký xe như trước đây đã được xóa bỏ. Thay vào đó, người dân có thể tới Công an cấp xã hoặc phòng CSGT để đăng ký. Lực lượng CSGT phải "cạnh tranh" để người dân đánh giá xem đơn vị nào sẽ phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, tiến tới tất cả những giấy tờ cấp cho người dân sẽ có bản điện tử. Khi kiểm soát, CSGT sẽ không được hỏi các loại giấy tờ của người dân mà chỉ kiểm tra họ là ai, từ đó đối chứng trong hệ thống dữ liệu về giấy phép lái xe, chủ xe, điều kiện hoạt động, thời hạn đăng kiểm… Như vậy cũng sẽ loại trừ toàn bộ các nguy cơ giấy tờ giả. Việc cấp giấy tờ bằng bản điện tử qua VNeID sẽ không cần thu lệ phí nếu người dân không lấy bản vật lý. Để làm được điều đó, hệ thống dữ liệu sẽ đảm bảo đầy đủ nhất, quản lý toàn diện để phục vụ và đảm bảo an toàn cho nhân dân.
“Chúng tôi đặt mục tiêu Trung tâm Chỉ huy CSGT sẽ giống như "khoa cấp cứu của các bệnh viện", những vi phạm có thể quan sát bằng mắt thường tới đây sẽ có hệ thống giám sát đảm nhiệm, đảm bảo khách quan 24/7. Mục tiêu không phải để xử lý, mà tạo tư duy cho người dân: chấp hành để bảo vệ chính mình” – Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.