Báo Pháp luật Việt Nam kỷ niệm 40 năm phát hành số đầu tiên, ra mắt tòa soạn hội tụ

Chiều 10/7, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội), Báo Pháp luật Việt Nam đã long trọng tổ chức chương trình kỷ niệm 40 năm ngày phát hành số báo đầu tiên (10/7/1985 - 10/7/2025) và ra mắt tòa soạn hội tụ.

Báo Pháp luật Việt Nam đã long trọng tổ chức chương trình kỷ niệm 40 năm ngày phát hành số báo đầu tiên (10/7/1985 - 10/7/2025).

Báo Pháp luật Việt Nam đã long trọng tổ chức chương trình kỷ niệm 40 năm ngày phát hành số báo đầu tiên (10/7/1985 - 10/7/2025).

Tham dự chương trình có nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Hoàng Trung Dũng; Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hồng Tuyến cùng đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội.

Về phía Bộ Tư pháp – cơ quan chủ quản của Báo Pháp luật Việt Nam – có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc đã tặng hoa chúc mừng Báo Pháp luật Việt Nam nhân dịp đặc biệt này.

Dấu ấn và hành trình 40 năm phát triển

Phát biểu tại chương trình, Tổng Biên tập TS. Vũ Hoài Nam đã ôn lại hành trình phát triển của Báo trong suốt 4 thập kỷ. Ra đời năm 1985 với tên gọi ban đầu là Pháp luật Thường thức, đây là tờ báo pháp luật đầu tiên thuộc khối nội chính, được phát hành công khai trong cả nước. Từ nhóm sáng lập chỉ vỏn vẹn 7 người, Báo từng bước phát triển, đổi tên thành Báo Pháp luật (1995) và sau đó là Báo Pháp luật Việt Nam (2005).

Theo chia sẻ của TS. Vũ Hoài Nam, ngay từ khi phát hành những ấn phẩm đầu tiên với tên gọi Pháp luật Thường thức, tờ báo đã xác lập rõ sứ mệnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, góp phần hình thành ý thức pháp luật trong nhân dân. Phát hành định kỳ hai số mỗi tháng, Báo nhanh chóng trở thành “cẩm nang” pháp lý hữu ích, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Sau 10 năm hoạt động, ngày 23/12/1995, theo Giấy phép số 228/GPXB do Bộ Văn hóa – Thông tin cấp, tờ báo chính thức đổi tên thành Báo Pháp luật. Cùng với đó, kỳ phát hành được nâng lên thành tuần báo, bổ sung thêm số đặc biệt cuối tháng, mở rộng nội dung và tăng cường tính thời sự.

Bước ngoặt tiếp theo diễn ra năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và 20 năm thành lập Báo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1952/PL ngày 30/12/2004 cho phép đổi tên tờ báo thành Báo Pháp luật Việt Nam. Việc mang tên gọi mới mang tính quốc gia này đã đánh dấu bước trưởng thành quan trọng, khẳng định vị thế là cơ quan truyền thông pháp luật hàng đầu cả nước.

“Trải qua gần bốn thập kỷ phát triển, nội dung báo ngày càng được mở rộng, chuyên sâu, hiện đại và thiết thực. Báo đã đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và phát triển Nhà nước pháp quyền. Có thể nói, chúng ta đã có một giai đoạn phát triển rất rực rỡ” – Tổng Biên tập Vũ Hoài Nam nhấn mạnh.

Trong bối cảnh báo in suy giảm trên toàn cầu do sự phát triển mạnh mẽ của internet và truyền thông kỹ thuật số, Báo Pháp luật Việt Nam đã chủ động tái cấu trúc mô hình hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số. Việc phát triển hệ thống báo điện tử, các nền tảng thông tin đa phương tiện và hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội đã giúp Báo bắt nhịp xu thế tiêu dùng tin tức hiện đại, mở rộng đối tượng độc giả và nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, pháp luật trong kỷ nguyên số.

Bên cạnh nhiệm vụ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam còn tích cực trong công tác xã hội với các chương trình như “Mái ấm Tư pháp”, “Chung tay xóa nhà tạm”... Trong năm 2024, các hoạt động thiện nguyện của Báo đã huy động được khoảng 15 tỷ đồng.

“Với bề dày truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển (1985-2025), qua từng thời kỳ, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo đã không ngừng phấn đấu, liên tục có những đổi mới về nội dung và hình thức các ấn phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành tư pháp. Trong suốt bốn thập kỷ, sự cống hiến bền bỉ cho bạn đọc luôn là trọng tâm và là động lực cho mọi hoạt động của Báo Pháp luật Việt Nam” - TS. Vũ Hoài Nam nhấn mạnh.

TS. Vũ Hoài Nam,Tổng Biên tập Báo Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ.

TS. Vũ Hoài Nam,Tổng Biên tập Báo Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ.

Khẳng định vị thế trong làng báo chí cách mạng Việt Nam

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, sự ra đời của Báo Pháp luật Thường thức cách đây 40 năm là dấu mốc quan trọng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc phổ biến thông tin pháp luật đến người dân.

“Thời điểm đó, việc tiếp cận pháp luật trong xã hội còn rất hạn chế. Báo Pháp luật Việt Nam đã vượt qua những thách thức ban đầu, kiên cường vươn lên để trở thành một trong những tờ báo nội chính uy tín hàng đầu, đóng vai trò chủ lực trong dòng chảy thông tin của đất nước,” Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu.

Theo Thứ trưởng, suốt 40 năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã không ngừng phát triển, hoàn thành xuất sắc vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, đóng góp tích cực và có chiều sâu trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật.

Từ các lĩnh vực như xây dựng và hoàn thiện thể chế, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, thi hành án dân sự đến bổ trợ tư pháp, các sản phẩm báo chí của Báo luôn đảm bảo tính kịp thời, chính xác và nhất quán trong định hướng dư luận. Đặc biệt, Báo Pháp luật Việt Nam đã trở thành một kênh phản biện chính sách hiệu quả, chuyển tải tiếng nói của người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia pháp lý tới các cơ quan hoạch định chính sách – góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chính trị, trong suốt bốn thập kỷ hoạt động, Báo Pháp luật Việt Nam còn bền bỉ với các chương trình thiện nguyện, xã hội. Những hành trình đến với biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa... đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm xã hội và tấm lòng nhân ái của những người làm báo pháp luật.

Báo cũng luôn tiên phong trong tuyên truyền các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các Nghị quyết chiến lược như nhóm “bộ tứ trụ cột” được Bộ Chính trị ban hành nhằm đưa đất nước bứt phá. Công tác truyền thông chính sách được triển khai bài bản, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp.

Khẳng định vị thế trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam đã nhiều lần được vinh danh với các giải thưởng báo chí uy tín. Đặc biệt, Báo đã hai lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất – phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của các thế hệ người làm báo trong suốt 40 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại buổi Lễ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại buổi Lễ.

Sự trưởng thành của đội ngũ lãnh đạo – đặt nền tảng cho tờ báo

Tại buổi Lễ, nhà báo Đặng Ngọc Luyến – Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam – đã chia sẻ những kỷ niệm về thời điểm thành lập Báo, đồng thời tri ân nhà báo Vũ Duy Thiệu – người đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của tờ báo. Ông nhấn mạnh hai dấu ấn đặc biệt: sự trưởng thành của đội ngũ lãnh đạo khi Báo trở thành cơ quan báo chí đầu tiên của ngành Tư pháp tự chủ tài chính (năm 1990), và sự phát triển lớn mạnh của tổ chức Đảng trong nội bộ Báo – từ 3 đảng viên ban đầu đến 99 đảng viên hiện nay.

Nhà báo Đặng Ngọc Luyến –Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ.

Nhà báo Đặng Ngọc Luyến –Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ.

Đại diện cho thế hệ nhà báo trẻ, nhà báo Nguyễn Sỹ Hồng – Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Trưởng ban Kinh tế - Doanh nhân cũng đã có bài phát biểu bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước và cam kết tiếp bước, gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu mà lớp người đi trước để lại. “Nghề báo không chỉ là một công việc, mà là sứ mệnh chính trị cao cả. Trong kỷ nguyên số, chúng tôi ý thức rõ trách nhiệm phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, kiên định lập trường, và giữ vững ngòi bút trước mọi thách thức”, anh chia sẻ.

Bí thư Đoàn Thanh niên Báo Pháp luật Việt Nam cũng khẳng định, đội ngũ phóng viên trẻ luôn sẵn sàng xung kích, dấn thân, viết tiếp những trang sử vẻ vang của Báo, đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua các tác phẩm báo chí chỉn chu, chất lượng cao.

Hướng đến tương lai, đội ngũ nhà báo trẻ của Báo sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị của Đảng về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ; đồng thời tích cực học hỏi, ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành báo chí và Bộ, ngành Tư pháp.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ Kỷ niệm:

Các đại biểu tham dự buổi Lễ.

Các đại biểu tham dự buổi Lễ.

Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tặng hoa tri ân các đồng chí nguyên là lãnh đạo Báo, trong đó có đồng chí Trần Đức Vinh, Tổng Biên tập Báo Công lý.

Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tặng hoa tri ân các đồng chí nguyên là lãnh đạo Báo, trong đó có đồng chí Trần Đức Vinh, Tổng Biên tập Báo Công lý.

Ra mắt Tòa soạn Hội tụ của Báo Pháp luật Việt Nam tại kỷ niệm 40 năm ngày Báo phát hành số đầu tiên.

Ra mắt Tòa soạn Hội tụ của Báo Pháp luật Việt Nam tại kỷ niệm 40 năm ngày Báo phát hành số đầu tiên.

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bao-phap-luat-viet-nam-ky-niem-40-nam-phat-hanh-so-dau-tien-ra-mat-toa-soan-hoi-tu-485377.html