Vi phạm tốc độ, hơn 24.000 phương tiện bị thu hồi phù hiệu

Qua kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, lực lượng chức năng phát hiện nhiều phương tiện vi phạm tốc độ nhiều lần.

Theo thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/11/2024, các sở giao thông vận tải (GTVT) đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 24.412 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km trở lên.

Bên cạnh việc thu hồi phù hiệu đối với phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 493.255 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay các sở GTVT đang căn cứ vào dữ liệu được xử lý từ hệ thống tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn. Hằng tháng, trích xuất dữ liệu các phương tiện vi phạm tốc độ, thời gian lái xe liên tục để chấn chỉnh, nhắc nhở và thu hồi phù hiệu của các phương tiện kinh doanh vận tải.

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các sở GTVT tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để chấn chỉnh, nhắc nhở và thu hồi phù hiệu của các phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm theo quy định.

Qua kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, lực lượng chức năng phát hiện nhiều phương tiện vi phạm tốc độ nhiều lần. Đơn cử tại tỉnh Thừa Thiên Huế qua kiểm tra phát hiện các phương tiện là xe hợp đồng của Công ty TNHH MTV Festival Bus (có địa chỉ ở phường Vỹ Dạ, TP Huế) vi phạm tốc độ liên tục; như xe 75B-01997 vi phạm tốc độ 974 lần/tháng; xe 75B-01917 vi phạm tốc độ 831 lần/tháng; xe 75B-01498 vi phạm tốc độ 488 lần/tháng…

Không chỉ xe hợp đồng vi phạm mà nhiều phương tiện container, xe đầu kéo cũng vô tư vi phạm tốc độ trên 100 lần/tháng (tháng 7/2024). Đơn cử như xe container 75H-00872 của Công ty TNHH TCT Quang Trung (ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) vi phạm tốc độ 316 lần/tháng; xe đầu kéo BKS 75H-00021 cũng của Công ty TNHH Quang Trung vi phạm tốc độ đến 203 lần/tháng; xe đầu kéo BKS 75C-08034 của hộ kinh doanh cửa hàng Cường Ty (ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cũng vi phạm tốc độ 205 lần/tháng…

Bên cạnh đó, có nhiều xe tuyến cố định chở khách cũng vi phạm từ hàng chục lần đến hàng trăm lần trong tháng 7. Điển hình như xe tuyến cố định 38G-00130 của Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Tiến Lực (ở phường An Đông, TP Huế) vi phạm tốc độ 831 lần…

Theo Sở GTVT Hà Nội, trung bình mỗi tháng có khoảng 700 - 800 phương tiện kinh doanh vận tải bị Sở GTVT Hà Nội thu hồi phù hiệu, biển hiệu do vi phạm tốc độ chạy xe. Tuy nhiên, nhiều phương tiện vẫn tiếp tục tái phạm.

Liên quan đến phù hiệu của ô tô, theo Nghị định số 41/2024 mà Chính phủ mới ban hành, khi cơ quan cấp phù hiệu, biển hiệu ban hành quyết định thu hồi, trong vòng 10 ngày, đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh đối với xe bị thu hồi.

Nếu đơn vị KDVT nộp lại phù hiệu, biển hiệu theo đúng quyết định thu hồi, Sở GTVT chỉ cấp lại, cấp mới phù hiệu, biển hiệu sau 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong 6 tháng liên tục).

"Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi mà đơn vị KDVT không nộp, Sở GTVT chỉ cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu sau 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp đủ phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi", Nghị định số 41 nêu.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Sở GTVT Hà Nội có văn bản gửi đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT và Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an các tỉnh, thành phố phối hợp giải quyết vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trong đó đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm từ chối kiểm định cho các phương tiện khi chủ phương tiện chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố phối hợp quản lý không cấp đổi giấy phép lái xe cho lái xe khi chưa chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Phòng Cảnh sát giao thông - Công an các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các lái xe cố tình trốn tránh, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện nay, việc gắn phù hiệu ô tô áp dụng cho các đối tượng là xe kinh doanh vận tải gồm: xe buýt, taxi, xe khách chạy tuyến cố định, xe chạy hợp đồng và xe du lịch; Xe vận tải hàng hóa gồm container, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa,… Các phù hiệu phải được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, ngay sát phía dưới vị trí của tem kiểm định.

Minh Đức (Theo Báo Thanh tra, Tiền Phong)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-pham-toc-do-hon-24000-phuong-tien-bi-thu-hoi-phu-hieu-204241221092336244.htm