Vi phạm về an toàn thực phẩm: Tăng mức phạt là cần thiết!

Việc đề xuất tăng gấp đôi mức phạt vi phạm về an toàn thực phẩm là cần thiết, nhưng để hiệu quả, cần kết hợp với giải pháp đồng bộ nâng cao ý thức và siết chặt thực thi.

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng trong xã hội hiện đại, khi mà nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất tăng gấp đôi mức phạt đối với một số vi phạm về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ người tiêu dùng. Đây là một bước đi tích cực, nhưng cũng đặt ra yêu cầu về việc thực thi nghiêm minh và đồng bộ các giải pháp.

 Việc đề xuất tăng gấp đôi mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm là cần thiết, nhưng để hiệu quả, cần kết hợp với giải pháp đồng bộ nâng cao ý thức và siết chặt thực thi. Ảnh: VÕ TÙNG

Việc đề xuất tăng gấp đôi mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm là cần thiết, nhưng để hiệu quả, cần kết hợp với giải pháp đồng bộ nâng cao ý thức và siết chặt thực thi. Ảnh: VÕ TÙNG

Cần phạt thật nặng để đủ sức răn đe

Trước đề xuất tăng mức phạt gấp đôi đối với một số hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình cao. Theo họ, đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh thực phẩm bẩn vẫn len lỏi khắp thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Bạn đọc Hoàng Trung Hiếu (quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi nhận thấy vẫn còn nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, điều kiện bảo quản sơ sài. Những vi phạm như dùng phụ gia không được phép, sơ chế mất vệ sinh hay bán hàng hết hạn vẫn diễn ra nhưng mức xử phạt quá nhẹ.

Nếu phạt vài triệu đồng thì chẳng đáng là bao so với lợi nhuận mà người vi phạm thu được. Việc tăng mức phạt lên gấp đôi là hoàn toàn hợp lý và cần được thực hiện càng sớm càng tốt”.

Bạn đọc Đỗ Nguyên Vũ (TP Thủ Đức) cho rằng: “Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử phạt, thu hồi nhiều thực phẩm giả, sữa giả… vi phạm an toàn thực phẩm.

Những vụ việc nêu cho thấy thực trạng vi phạm an toàn thực phẩm trên cả nước rất đáng báo động. Trước tình hình này, việc tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm minh và kiên quyết các hành vi vi phạm được xem là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quyền lợi người tiêu dùng. Hoàn toàn ủng hộ tăng mức phạt thật nặng giống như vi phạm an toàn giao thông”.

Ở góc độ một phụ huynh, bạn đọc Lê Thị Mai (Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ sự lo lắng và kỳ vọng: “Tôi luôn lo lắng mỗi khi con ăn ở ngoài vì không thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm. Việc Nhà nước siết chặt xử phạt là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe cộng đồng. Khi mức phạt tăng cao, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ buộc phải chú trọng hơn đến vệ sinh và an toàn trong từng khâu chế biến. Chúng tôi mong muốn được an tâm mỗi khi chọn bữa ăn cho gia đình mình”.

Bạn đọc Minh Thư (Tân Bình, TP.HCM) lại cho rằng tăng mức phạt lên gấp đôi vẫn còn quá nhẹ: “Vi phạm an toàn thực phẩm là trực tiếp đe dọa sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, thế nhưng hiện nay mức phạt chỉ dừng lại ở vài trăm ngàn đồng hoặc vài triệu đồng, một con số quá nhẹ so với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Việc này không chỉ thiếu sức răn đe mà còn tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất bất chấp quy định, coi thường sức khỏe cộng đồng. Do đó, cần phải nâng mức phạt lên gấp ba, gấp bốn lần mức hiện tại để thể hiện sự nghiêm túc trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Việc xử lý mạnh tay sẽ giúp cảnh báo các hành vi vi phạm, ngừng tình trạng sản xuất và tiêu thụ thực phẩm kém chất lượng, từ đó bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân".

Kiến nghị thêm giải pháp phòng ngừa vi phạm thực phẩm bẩn

Bên cạnh việc ủng hộ tăng nặng mức xử phạt, nhiều bạn đọc cũng cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và phòng ngừa vi phạm. Họ cho rằng nếu chỉ xử phạt mà không tạo điều kiện để người kinh doanh tuân thủ pháp luật thì sẽ khó đạt được hiệu quả bền vững.

Bạn đọc Nguyễn Văn Thanh (quận 3, TP.HCM) cho biết: “Nhiều người vi phạm không phải vì cố tình mà do thiếu kiến thức, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Nếu chỉ phạt mà không tuyên truyền thì vi phạm vẫn tái diễn.

Theo tôi, cần tăng cường các chiến dịch truyền thông rộng rãi, dễ hiểu về an toàn thực phẩm. Có thể đưa kiến thức vào chương trình học, tổ chức các lớp tập huấn cho tiểu thương, hay truyền thông qua mạng xã hội để người dân hiểu rõ rằng vi phạm an toàn thực phẩm không chỉ là hành vi trái pháp luật mà còn là hành vi gây hại cho chính đồng bào mình”.

Bạn đọc Trọng Nhân kiến nghị tăng cường kiểm tra thực chất: “Nhiều nơi chỉ ‘sạch sẽ’ vào ngày đoàn kiểm tra tới. Tôi từng chứng kiến có cơ sở chuẩn bị trước cả tuần để đối phó, sau đó lại hoạt động như cũ. Kiểm tra hiện nay còn hình thức. Cần có các đoàn kiểm tra độc lập, kiểm tra đột xuất, và minh bạch hóa kết quả. Đồng thời, phải xử lý nghiêm nếu phát hiện có bao che cho sai phạm”.

Từ góc độ người sản xuất nhỏ, chị Mỹ Hạnh (Vĩnh Long) cho biết cần thêm hỗ trợ để hộ kinh doanh tuân thủ quy định: “Chúng tôi ở nông thôn muốn làm đúng nhưng thiếu vốn, thiếu thiết bị, lại không hiểu hết quy định nên dễ mắc lỗi. Nếu được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi để cải thiện cơ sở vật chất, tổ chức tập huấn định kỳ, hoặc kết nối với chuỗi cung ứng uy tín thì chúng tôi sẽ có điều kiện làm đúng. Không thể kỳ vọng xử phạt là giải pháp duy nhất mà bỏ quên trách nhiệm hỗ trợ người dân làm đúng từ đầu”.

Hút thuốc khi chế biến thực phẩm: Đề xuất phạt 5-7 triệu đồng

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất tăng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, như:

Hành vi bán thực phẩm hư hỏng, mốc, bẩn... tại cơ sở nhỏ, lẻ bị đề xuất phạt 2-3 triệu đồng, thay vì từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng như hiện nay. Các vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố như không che đậy thức ăn, không dùng găng tay… cũng bị đề xuất nâng mức phạt tương tự.

Hành vi dùng dụng cụ, bao bì, nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến, bảo quản thực phẩm bị đề xuất phạt 3-5 triệu đồng (hiện nay phạt từ 1-3 triệu đồng). Sử dụng nguyên liệu quá hạn, không rõ nguồn gốc hoặc không kiểm dịch bị đề xuất phạt 2-3 lần giá trị sản phẩm vi phạm (hiện nay phạt từ 1-2 lần).

Đối với nhân sự không đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến (không đội mũ, đeo khẩu trang, hút thuốc…), mức phạt đề xuất tăng lên 5-7 triệu đồng, thay vì 1-3 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ đề xuất tăng phạt vi phạm quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi thực phẩm: Không lưu trữ đầy đủ thông tin truy xuất tăng phạt từ 5-7 triệu lên 7-10 triệu đồng; Không thông báo sản phẩm không an toàn tăng từ 7-10 triệu lên 10-15 triệu đồng; Thu hồi, xử lý không đúng quy định tăng từ 10-15 triệu lên 15-20 triệu đồng.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-tang-muc-phat-la-can-thiet-post850973.html