Vi phạm xây dựng: 300 Thanh tra bị xử lý, 1 đi tù

Một cán bộ Thanh tra xây dựng ở huyện Nhà Bè bị đi tù một năm vì tội nhận hối lộ.

Thông tin nêu trên được trích từ tham luận của Ban Nội chính Thành ủy tại Hội nghị xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP do UBND TP.HCM tổ chức sáng 30-7.

Chủ tịch huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ báo cáo tại hội nghị.

Chủ tịch huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ báo cáo tại hội nghị.

Vi phạm xây dựng xảy ra ở tất cả các quận, huyện

Theo Ban Nội chính Thành ủy, hiện hành vi vi phạm TTXD nhiều nhất chính là việc xây dựng công trình không phép, sai phép. Vì vậy, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực TTXD hiện nay tập trung chính ở công tác phát hiện, xử lý hành vi xây dựng không có giấy phép, sai với giấy phép được cấp của cán bộ, công chức, đảng viên có nhiệm vụ về quản lý TTXD.

Ban Nội chính Thành ủy nhận định, việc xây dựng không phép, xảy ra ở gần như các quận, huyện, thậm chí là ở các quận, huyện vùng ven tồn tại tình trạng xây dựng không phép thành từng khu, lên đến hàng chục công trình, điển hình như: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); Bình Mỹ (Củ Chi); Đông Thạnh (Hóc Môn); Phú Hữu, Phước Long B (Quận 9), Linh Trung, Tam Phú (Thủ Đức) …

Về xây dựng sai phép thì tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP đều tồn tại hành vi vi phạm này, có thể kể vi phạm ở một số công trình lớn, như: công trình 51 Nguyễn Chí Thanh (Quận 5), Chung cư Khang Gia (Tân Phú), Chung cư 32 Hoàng Bật Đạt (Tân Bình), Chung cư Nguyễn Quyền (Bình Tân) …

Nhiều cán bộ TTXD chủ động gợi ý, nhũng nhiễu

Ban Nội chính Thành ủy nhìn nhận, lĩnh vực quản lý TTXD hiện nay được xem là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhất hiện nay.

So với các lĩnh vực khác, thì tham nhũng trong lĩnh vực TTXD có khuynh hướng mang tính “thụ động” nhiều hơn. Nghĩa là phát hiện hành vi vi phạm nhưng không xử lý hoặc che dấu, không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Hoặc phát hiện nhưng xử lý hoặc báo cáo, đề xuất xử lý không tương xứng với hành vi vi phạm để được hưởng lợi vật chất từ người vi phạm.

"Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cán bộ quản lý TTXD chủ động gợi ý, nhũng nhiễu đối với các công trình đang xây dựng, dù là có vi phạm TTXD hay không", tham luận của Ban Nội chính Thành ủy nêu.

Cùng với đó, Ban Nội chính Thành ủy cũng cho rằng, hành vi tiêu cực, tham nhũng không chỉ xuất phát từ ý chí chủ quan của cán bộ quản lý TTXD, mà còn xuất phát từ phía chủ công trình hoặc nhà thầu thi công. Họ thường dùng lợi ích vật chất để cán bộ quản lý TTXD bỏ qua hành vi xây dựng không phép, sai phép hoặc đề xuất xử lý mang tính chất “bỏ bớt”, “làm nhẹ” đối với hành vi sai phạm.

Ngoài ra, một số trường hợp xây dựng có giấy phép, đúng giấy phép, nhưng khi cán bộ quản lý TTXD đến kiểm tra vẫn chủ động “bồi dưỡng” một vài triệu, với tâm lý bồi dưỡng cho xong, “ai cũng vậy” hoặc để không bị kiểm tra, làm phiền trong quá trình xây dựng.

"Thậm chí, một số chủ thầu xây dựng, xem như đây là khoản chi phí “bắt buộc phải có”, cứ thấy cán bộ quản lý TTXD xuất hiện là đưa “bồi dưỡng” và tính chi phí này vào giá xây dựng với khách hàng", Ban Nội chính Thành ủy nêu.

Phó Chủ tịch huyện Hóc Môn Đỗ Thị Lâm Tuyền báo cáo giải pháp phát hiện xử lý công trình sai phạm ngay từ đầu tại huyện Hóc Môn.

Phó Chủ tịch huyện Hóc Môn Đỗ Thị Lâm Tuyền báo cáo giải pháp phát hiện xử lý công trình sai phạm ngay từ đầu tại huyện Hóc Môn.

300 cán bộ bị xử lý, 1 đi tù

Theo Ban Nội chính Thành ủy, trong thời gian qua, trên địa bàn TP, vi phạm về TTXD xảy ra rất nhiều ở các địa phương cả về số lượng, lẫn mức độ sai phạm.

Bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, của các cán bộ quản lý TTXD, thì dư luận vẫn cho rằng hành vi tham nhũng của các cán bộ quản lý TTXD cũng là một trong những nguyên nhân chính của việc vi phạm về TTXD diễn ra tràn lan tại các địa phương như nêu trên.

Tuy nhiên, cũng như tham nhũng trong các lĩnh vực khác, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực TTXD rất khó phát hiện. Về cơ bản cả người đưa và người nhận đều có lợi nên không ai phơi bày.

"Chưa kể tham nhũng trong lĩnh vực này số tiền thường không lớn, đa số chỉ vài trăm ngàn hoặc vài triệu, hay còn gọi là “tham nhũng vặt”, nên việc tố cáo của người dân hoặc sự vào cuộc của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng chưa kịp thời dẫn đến hành vi này càng sinh sôi và gần như mang tính mặc định gắn liền với hoạt động xây dựng công trình", Ban Nội chính Thành ủy cho hay.

Cũng theo Ban Nội chính, thời gian qua đã có trên 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý về hành vi công vụ (nhiều trường hợp bị cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc), tuy nhiên chỉ có một trường hợp bị phát hiện và xử lý về hành vi tham nhũng là trường hợp Nguyễn Đỗ Duy Hải, cán bộ Thanh tra xây dựng Nhà Bè bị xử một năm tù về tội nhận hối lộ.

VIỆT HOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/vi-pham-xay-dung-300-thanh-tra-bi-xu-ly-1-di-tu-848916.html