Vi phạm xây dựng: Cần chấm dứt 'phạt cho tồn tại'

Có lẽ chính việc phạt hành chính rồi hợp thức hóa, cho tồn tại các công trình vi phạm đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư, chủ công trình khi thi công đã cố ý xây dựng sai phép.

Mới đây, trả lời báo chí, ông Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội - cho rằng cần chấm dứt ngay việc "phạt cho tồn tại" hoặc phạt quá nhẹ đối với các vi phạm về trật tự xây dựng bởi sự vi phạm đó đem lại lợi ích rất lớn cho chủ đầu tư và nhiều vấn đề tiêu cực.

Thực tế, tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng, nhất là tại các đô thị lớn, diễn ra khá phức tạp. Không ít tòa nhà, cao ốc, khách sạn, chung cư... xây dựng không có giấy phép, sai phép, xây trên đất nông nghiệp.

Những công trình này bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư nhưng sau đó lại được hợp thức hóa, cho phép tồn tại vì nhiều lý do: chủ đầu tư, chủ công trình đã bị xử phạt hành chính và đã tự giác nộp phạt; công trình xây dựng đã lâu và đã đi vào hoạt động ổn định; nếu cưỡng chế, trả lại nguyên trạng sẽ dẫn đến tốn kém, lãng phí...

Có lẽ chính việc phạt hành chính rồi hợp thức hóa, cho tồn tại các công trình vi phạm đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư, chủ công trình khi thi công đã cố ý xây dựng sai phép. Cũng không loại trừ một số công trình sai phép, không phép có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê, "chống lưng" của một số cán bộ tha hóa, biến chất.

Ai cũng biết và hiểu rằng việc các công trình xây dựng sai phép, không phép tiềm ẩn những rủi ro, hiểm họa về an toàn lao động, cháy nổ; phá vỡ quy hoạch. Chưa kể, việc "phạt cho tồn tại" còn dẫn đến sự lờn luật, thiếu công bằng và dung dưỡng các hành vi tiêu cực.

Vì thế, đã đến lúc phải chấm dứt việc xử phạt rồi hợp thức hóa, cho tồn tại các công trình xây dựng sai phép, không phép dù bất kỳ lý do gì. Các hành vi vi phạm trong trật tự xây dựng phải được xử phạt nghiêm bằng các chế tài hành chính, thậm chí hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, mới mong lập lại trật tự trong xây dựng.

Ngoài ra, việc thực hiện những biện pháp như đình chỉ thi công, cắt điện, cắt nước, cắt ngọn công trình, không cho phép đưa vào khai thác, sử dụng và nâng mức xử phạt thật nặng cũng là cách để hạn chế các hành vi vi phạm trật tự xây dựng như hiện nay.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức có biểu hiện bảo kê, bao che hoặc "chống lưng" cho các hành vi vi phạm, để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng cũng cần phải bị xử lý nghiêm.

Nguyễn Đước

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/vi-pham-xay-dung-can-cham-dut-phat-cho-ton-tai-20231001220959899.htm