Vi phẫu tái tạo khuôn mặt cho bệnh nhân nữ mắc u men xương hàm
Mắc u men xương hàm dưới, bệnh nhân Hoàng Thị É (nữ, 46 tuổi tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đã phải trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ khối u. Các bác sĩ đã lấy chính phần xương dưới chân của bệnh nhân đưa lên 'lấp' vào chỗ khuyết.
Mới đây, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết đã tiếp nhận một bệnh nhân mắc u men xương hàm dưới bên trái. Bệnh nhân là Hoàng Thị É, nhập viện trong tình trạng có 1 khối u gây biến dạng khuôn mặt, thể trạng người gầy, yếu, suy dinh dưỡng, thiếu cân, chỉ số máu kém.
Sau khi tiếp nhận điều trị, các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã tiến hành phẫu thuật cắt xương hàm dưới bên trái. Sau khi cắt bỏ, loại bỏ khối u, các bác sĩ đã lấy vạt xương cẳng chân để che phủ, dựng hình bằng kĩ thuật vi phẫu thuật để phục hồi lại tối đa thẩm mỹ và chức năng sinh hoạt bình thường cho bệnh nhân.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lại Bình Nguyên - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương) cho biết: U men xương hàm là bệnh lí tại xương, tỉ lệ gặp là 1/20.000 người. Nguyên nhân là do sự phát triển quá phát ở tế bào men, không kiểm soát được sẽ phá hủy xương hàm, làm tiêu chân răng, gây ra tình trạng đau, biến dạng khuôn mặt, nếu không được điều trị tốt thì có nguy cơ thoái hóa biến thành ung thư.
Bệnh nhân rất khó được phát hiện bởi khối u không gây đau nhức, vẫn ăn uống được bình thường nên khó nhận biết, bệnh tiến triển âm thầm. Thông thường khi người bệnh đến khám thì u đã phát triển rộng xương, răng bị khối u phá hủy, gây ra biến dạng khuôn mặt...
Hiện nay, tại Việt Nam, việc tái tạo xương hàm bằng phương pháp vi phẫu được cho là hiện đại nhất. Tuy nhiên, phương pháp này thực hiện không hề đơn giản. Lúc mổ phải có hai kíp mổ hoạt động cùng một lúc phối hợp nhuần nhuyễn, một kíp cắt đoạn xương hàm dưới trái, lấy khối u, loại bỏ tổn thương và chuẩn bị nơi nhận mảnh xương ghép, một kíp lấy xương mác kèm mạch máu để nuôi xương.
“Các bác sĩ sau khi cắt đoạn xương hàm, loại trừ triệt để các tổn thương để tránh tái phát cho bệnh nhân, sau đó lấy một đoạn xương mác ở cẳng chân, kèm theo mạch máu được tạo hình theo hình dáng của xương hàm đã bị cắt bỏ và thực hiện kỹ thuật vi phẫu ghép mảnh xương mác vào vị trí cắt bỏ khối u dưới kính hiển vi phẫu thuật”, bác sĩ Lại Bình Nguyên cho biết.
Bằng phương pháp phẫu thuật vi phẫu với đôi tay khéo léo, trình độ chuyên môn cao của các bác sĩ, phẫu thuật viên kèm theo những trang thiết bị dụng cụ vi phẫu, kính hiển vi hiện đại… cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Sau mổ, bệnh nhân Hoàng Thị É dần tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, vết mổ khô, mạch máu lưu thông tốt. Khoảng 10 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được xuất viện.
Được biết, phương pháp tái tạo xương hàm bằng vi phẫu đã được thực hiện nhiều và trở thành kỹ thuật thường quy được thực hiện tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. Đây được xem là một trong những kĩ thuật hiện đại, mang lại chất lượng điều trị mới trong điều trị răng hàm mặt, do vậy chi phí để thực hiện một cuộc phẫu thuật này lên tới 80-90 triệu đồng. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên chi phí thực hiện ca vi phẫu thuật tái tạo hàm cho bệnh nhân Hoàng Thị É đã được Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương hỗ trợ.