Vị Phó Giáo sư và khát vọng chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam
'Chúng tôi có khát vọng, niềm tin và ước mơ chấm dứt bệnh lao vì nhìn thấy rõ những nỗi đau của bệnh nhân lao, đồng thời nhìn thấy rõ cơ hội để chấm dứt những nỗi đau đó…', Thầy thuốc nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã chia sẻ như vậy khi nhắc đến Cụm công trình 'Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đường hô hấp', của ông cùng 22 đồng tác giả vinh dự được Đảng, Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào cuối năm 2022 vừa qua.
Chia sẻ về ý nghĩa của cụm công trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn VIết Nhung cho biết: Cụm công trình mang tính ứng dụng hết sức to lớn và thiết thực vào công cuộc chấm dứt bệnh lao, tức là mỗi năm giúp hàng chục ngàn người thoát khỏi cái chết và làm cho hàng trăm ngàn gia đình hạnh phúc. Đó chính là hạnh phúc của chúng tôi, những người làm công tác phòng, chống bệnh lao.
Nghiên cứu đã chỉ ra bằng chứng cho tính khả thi của mục tiêu chấm dứt bệnh lao, đó là phát hiện chủ động tại cộng đồng có thể làm giảm bệnh lao nhanh hơn 44% so với can thiệp thường quy và nếu kết hợp tác động của các hoạt động thường quy có thể giảm đến 72% bệnh lao sau 4 năm triển khai. Kết quả này đã truyền cảm hứng cho cộng đồng chống lao thế giới về tính khả thi của mục tiêu chấm dứt bệnh lao toàn cầu.
Kết quả nghiên cứu đã làm tiền đề cho đề xuất chiến lược 2X chính là con đường chấm dứt bệnh lao bằng cách phát hiện chủ động bằng chụp Xquang phổi để sàng lọc ra những người nghi lao và xét nghiệm Xpert để khẳng định mắc lao, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đã đề xuất được phác đồ rút ngắn thời gian điều trị lao xuống còn 4 tháng là một đột phá sau 40 năm và đã được WHO khuyến cáo áp dụng trên thế giới. Đồng thời đã áp dụng thành công các phác đồ điều trị hiệu quả cho tất cả các thể lao, kể cả lao đa kháng và siêu kháng thuốc, đã cứu sống hàng ngàn người mà trước đây không có thuốc chữa.
Nghiên cứu đã xây dựng được bộ dữ liệu dịch tễ bệnh lao, các can thiệp hiệu quả, kinh tế y tế trong khám chữa bệnh lao làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch chiến lược quốc gia, làm tiền đề cho việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế như tài trợ của Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2015 - 2023 đạt hơn 160 triệu USD, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ về kỹ thuật và tài chính từ WHO, US CDC, USAID, TBREACH, CHAI, AUSAID, Đại sứ quán Pháp,… Trong nước, đã vận động thành lập được Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ chi trả viện phí, mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2.500 người bệnh lao với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, việc áp dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao đã giúp giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới, với tỷ lệ giảm là 4,5% mỗi năm tại Việt Nam so với 1,5 - 2% mỗi năm trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong năm 2020 đã giảm 34% so với năm 2015, cao hơn mức giảm tử vong do lao trung bình trên toàn cầu trong giai đoạn này là 14%. Dịch tễ lao giảm trong 10 năm qua đã giúp tiết kiệm được 8.781 tỷ đồng, tương đương với ngăn ngừa 284.000 người mắc lao mới nếu không có các can thiệp vừa qua.
Nghiên cứu đã giúp ca ghép thùy phổi đầu tiên từ người cho sống ở Việt Nam được thực hiện thành công, đã đưa kỹ thuật chuyên ngành hô hấp của Việt Nam lên tầm cao mới, đến nay kỹ thuật ghép phổi đã được áp dụng thành công tại nhiều bệnh viện.
Việc chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh nhân mắc cúm A H5N1 đã chứng tỏ năng lực y tế của Việt Nam ngang tầm khu vực và trên thế giới. Trong giai đoạn cao điểm bùng phát dịch H5N1 các năm 2004 - 2006, nhờ có các quy trình chẩn đoán, điều trị và dự phòng dịch bệnh toàn diện, Việt Nam đã khống chế được dịch H5N1 thành công với tỷ lệ tử vong thấp là 39% so với thế giới là 61%.
Nghiên cứu chẩn đoán sớm và chính xác các tổn thương của phổi đã phát triển được sản phẩm được cấp bằng “Độc quyền giải pháp hữu ích” cho bộ dụng cụ sinh thiết phổi hút kim nhỏ, bộ dụng cụ sinh thiết phổi cắt và bộ lưới định vị dưới chụp cắt lớp vi tính, được ứng dụng rộng rãi có hiệu quả cao.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã xây dựng được mạng lưới quản lý các bệnh phổi mạn tính tại cộng đồng, chương trình quản lý bệnh ung thư phổi, làm thay đổi có ý nghĩa thời gian và chất lượng cuộc sống của người bệnh hiểm nghèo như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, ung thư phổi.
Chia sẻ những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện đề tài, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cho biết: “Thuận lợi lớn nhất đó là chúng tôi có khát vọng, niềm tin và ước mơ chấm dứt bệnh lao vì nhìn thấy rõ những nỗi đau của bệnh nhân lao, đồng thời nhìn thấy rõ cơ hội để chấm dứt những nỗi đau đó. Vì vậy, mà đã có rất nhiều thuận lợi ùa đến - đó là hội tụ được các chuyên gia giỏi trên toàn thế giới hợp tác, huy động được nguồn kinh phí để làm những nghiên cứu lớn và trên cơ sở đó đào tạo được một mạng lưới nghiên cứu viên trong nước”.
Còn khó khăn đương nhiên lúc nào cũng có. Chẳng hạn, khi triển khai tại cộng đồng thì làm sao giải thích được cho người dân hiểu và cộng tác, đường đi từ nhà này đến nhà kia qua các cầu khỉ tại Cà Mau, những lúc chờ đợi phê duyệt của các cấp cũng là một thách thức, và nhất là sau thời gian can thiệp phải theo dõi lâu dài có khi đến 6 năm thì làm sao giữ được số người tham gia nghiên cứu đến lúc kết thúc cũng là những khó khăn rất lớn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung nhắn nhủ: Với những bằng chứng khoa học này, bệnh lao hoàn toàn có thể chấm dứt được với các công cụ hiện có, chỉ cần người dân chủ động đi khám khi có triệu chứng hô hấp, mỗi gia đình ít nhất có một người hiểu biết về bệnh lao và cách phát hiện, và nếu mắc lao thì tuân thủ điều trị theo hướng dẫn để được khỏi bệnh càng sớm càng tốt. Phát hiện sớm và chữa khỏi lao không chỉ là quyền lợi của bản thân mà còn là trách nhiệm của mỗi người với người thân và cộng đồng, cũng tương tự như COVID-19 nhưng khó khăn hơn nhiều.
Chấm dứt bệnh lao là tránh đi cái chết của hàng chục ngàn người mỗi năm và làm cho hàng trăm ngàn gia đình hạnh phúc. “Vì vậy, tôi hy vọng rằng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao, Bộ Y tế và chính quyền các địa phương sẽ vào cuộc mạnh mẽ để chúng ta sớm đạt được mục tiêu như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đã đề ra”, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ.