Vị 'quốc khách' và bức thư của Thủ tướng Abe gửi Đại sứ Việt Nam
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từng nói rằng, cá nhân ông rất coi trọng Việt Nam và có tình cảm đặc biệt với các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường có cuộc trao đổi với Tuần Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường. Ảnh: Phạm Hải
Tình cảm đặc biệt với Việt Nam
Thủ tướng Abe Shinzo đã nói rằng, cá nhân ông rất coi trọng Việt Nam và có tình cảm đặc biệt với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Điều này được thể hiện như thế nào, thưa Đại sứ?
Lãnh đạo hai nước đều khẳng định quan hệ Việt - Nhật đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, trong đó phải ghi nhận đóng góp rất quan trọng của cá nhân Thủ tướng Abe.
Ông Abe nhiều lần nói với lãnh đạo ta là cá nhân ông rất coi trọng và có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Tôi nhớ trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Abe có kể câu chuyện trong nhiệm kỳ đầu làm Thủ tướng (2006), ông đã thăm nước ta và sau khi không làm Thủ tướng nữa (2007), ông đi thăm Việt Nam và được các lãnh đạo ta đón tiếp rất thân tình như những người bạn.
Những lần lãnh đạo ta sang thăm Nhật đều gặp gỡ, trao đổi với ông. Đó chính là lý do ngay sau khi được bầu lại làm Thủ tướng lần 2 (tháng 12/2012), ông đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm (tháng 1/2013).
Tôi nhớ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật, Chính phủ và cá nhân ngài Abe đã dành sự đón tiếp rất trọng thị và thân tình, coi Tổng bí thư là “quốc khách” mặc dù 2 nước có chế độ chính trị khác nhau.
Quyết tâm ‘tay trong tay’
Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật, ông Abe đã phá tiền lệ khi cùng Thủ tướng ta dự và phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư với hơn 1.600 doanh nghiệp 2 nước tham dự (qui mô lớn nhất từ trước tới nay). Khi đó, ông khẳng định “sẽ quyết tâm cùng Thủ tướng 'tay trong tay' thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển giữa hai nước nhiều hơn nữa” và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Khi dịch Covid-19 hoành hành, mặc dù Nhật gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tích cực hỗ trợ Việt Nam hàng chục triệu USD thông qua các chương trình song phương và các tổ chức quốc tế. Chính phủ Nhật cũng quyết định đưa hơn 400.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước này vào diện được cấp tiền hỗ trợ 100.000 yên/người (gần 1.000 USD), ngang mức hỗ trợ công dân Nhật.
Chính phủ Nhật cũng khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ nếu Việt Nam có yêu cầu. Đó là tình cảm rất quý báu của Chính phủ và nhân dân Nhật cũng như cá nhân ông Abe dành cho Việt Nam.
Đáp lại, Chính phủ, Quốc hội, nhiều bộ ngành và địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân Việt Nam cũng hỗ trợ Nhật đối phó với dịch bệnh như cung cấp hàng triệu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế…
Bức thư của ông Abe gửi Đại sứ Nguyễn Quốc Cường
Bức thư gửi Đại sứ
Trong nhiệm kỳ là Đại sứ tại Nhật Bản (2015-2018), ông có kỷ niệm khó quên nào về cảm tình đặc biệt dành cho Việt Nam của ông Abe?
Khi xảy ra vụ việc cháu Nhật Linh bị sát hại tại Nhật, ông Abe trực tiếp gặp tôi và nói rằng, Chính phủ Nhật xin lỗi nhân dân Việt Nam. Ông chỉ đạo Bộ Ngoại giao và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam lúc đó về quê của cháu Nhật Linh để thắp hương và cúi đầu xin lỗi gia đình cháu.
Tôi cũng nhớ kỷ niệm trong một tiệc chiêu đãi của Thủ tướng Việt Nam, ông Abe vui vẻ chúc rượu từng người, ông khoác vai tôi chúc rượu rất thân tình như những người bạn.
Khi tôi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ, Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật với ban lãnh đạo cũng là những người chủ chốt trong liên minh cầm quyền tổ chức cuộc chiêu đãi. Rất bất ngờ là ông Nikai - Chủ tịch Liên minh - mang theo bức thư của Thủ tướng Abe gửi cho tôi. Bức thư đánh giá những đóng góp của tôi trong nhiệm kỳ. Với tôi, đây là món quà quý giá nhất tôi mang từ Nhật Bản khi trở về nước.
Ba thành công mang lại cho nước Nhật
Theo Đại sứ, Thủ tướng Abe trong thời gian tại vị dài kỷ lục (2012-2020) đã mang lại những thành công nào cho nước Nhật?
Thật khó có thể đánh giá đầy đủ những thành công mà ông Abe mang lại cho Nhật Bản. Cá nhân tôi xin nêu 3 thành công chính:
Một là, về chính trị nội bộ, Thủ tướng Abe đã duy trì được sự ổn định về chính trị, bảo đảm nền tảng chính quyền vững chắc. Trước Thủ tướng Abe là giai đoạn chính trị nội bộ Nhật bất ổn định kéo dài, rất khó để đưa ra và thực thi những quyết sách lớn.
Ông giữ kỷ lục là Thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử của Nhật. Riêng điều đó đã cho thấy bản lĩnh chính trị rất vững vàng của ông, tạo ra sự ổn định nhất định trong chính trị Nhật.
Thủ tướng Abe và Đại sứ Nguyễn Quốc Cường
Hai là việc đưa ra và triển khai chính sách Abenomics đã có tác động tích cực đến kinh tế. Từ khi ông Abe lên làm Thủ tướng lần 2, kinh tế Nhật trải qua một trong những giai đoạn tăng trưởng dương dài nhất (GDP tăng 7 năm liên tiếp từ 2013 - 2019), dù tốc độ tăng trưởng còn thấp. Thu nhập cá nhân, doanh thu doanh nghiệp tăng, phục hồi tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, nền kinh tế bước đầu thoát khỏi hàng thập kỷ giảm phát, thị trường chứng khoán hồi phục…
Ông Abe cũng rất chú ý đến việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong xã hội Nhật Bản qua các chương trình khác nhau.
Ba là về đối ngoại, ông Abe tích cực thúc đẩy Chủ nghĩa hòa bình tích cực và Ngoại giao tầm nhìn toàn cầu, Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, các khuôn khổ liên kết kinh tế và tự do thương mại quốc tế, trong đó có hiệp định CPTPP; Tăng cường quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Nhật trên trường quốc tế.
Thủ tướng Nhật thăm Việt Nam nhiều nhất
Dưới thời ông Abe, quan hệ Việt - Nhật phát triển rực rỡ về mọi mặt. Theo Đại sứ, đâu là dấu ấn nổi bật?
Trong cả hai lần làm Thủ tướng, ông Abe đều có những đóng góp rất to lớn, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong việc đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ vượt bậc, thực chất và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Theo cá nhân tôi đánh giá, có ít nhất 7 dấu ấn quan trọng:
Thứ nhất, ông là Thủ tướng Nhật thăm Việt Nam nhiều nhất (4 lần). Lần đầu tiên là tháng 11/2006, chỉ 2 tháng sau khi ông nhậm chức, lần thứ hai là tháng 1/2013 - chỉ 1 tháng sau khi ông trở lại nắm quyền và Việt Nam là nước đầu tiên ông đi thăm. Có lẽ, không kể Mỹ thì Việt Nam là một trong những nước ông Abe đến thăm nhiều hơn cả.
Tháng 11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Abe Shinzo đi dạo tại phố cổ Hội An. Ảnh: VGP
Thứ hai, ông Abe rất chú trọng đến việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ hai nước. Tháng 11/2006, trong chuyến thăm Việt Nam của ông, quan hệ hai nước đã được nâng tầm thành mối quan hệ “hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, quan hệ hai nước đã được nâng tiếp lên thành mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” nhân chuyến thăm cấp nhà nước vào tháng 3/2014 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Thứ ba, lòng tin chính trị giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng được củng cố và nâng cao, trước hết thông qua việc trao đổi hàng loạt chuyến thăm cấp cao hai bên, trong đó có chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên tới Việt Nam của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu (tháng 3/2017).
Đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam
Thứ tư là về quan hệ kinh tế. Trong nhiều năm, Nhật luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của ta; là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài thứ 2 (với hơn 4.500 dự án, đạt 60 tỷ USD), là đối tác du lịch lớn thứ 3 và là bạn hàng thương mại lớn thứ 4, đồng thời là thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới.
Thứ năm, giao lưu giữa các địa phương và nhân dân hai nước không ngừng tăng trong những năm qua. Từ 2017-2019 có hơn 20 Thống đốc các tỉnh của Nhật thăm nước ta. Tới nay có hơn 70 thỏa thuận hợp tác, kết nghĩa giữa các địa phương hai nước.
Thứ sáu, hợp tác nguồn nhân lực đang là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Nếu như năm 2012 mới có khoảng 50 nghìn người Việt ở Nhật, thì nay, con số đó đã tăng hơn 8 lần, vào khoảng 420 nghìn người, trong đó có 220 nghìn là thực tập sinh và 82 nghìn du học sinh.
Đây chính là nguồn lực quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác 2 nước không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà sẽ là nhiều thập kỷ tới.
Tích cực ủng hộ Chiến lược Biển của Việt Nam
Thứ bảy, ông Abe rất coi trọng vai trò và vị thế Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế. Nhật đã mời Thủ tướng ta lần đầu tiên tham dự hội nghị Cấp cao G7 mở rộng (5/2016) và hội nghị Thượng đỉnh G20 (6/2019). Nhật tích cực ủng hộ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 của Việt Nam...
Nhật Bản ủng hộ lập trường của ta về các vấn đề khu vực, trong đó có Biển Đông, đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, không đe dọa và sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đây cũng là quốc gia tích cực ủng hộ Chiến lược Biển của Việt Nam.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã qua đời ở tuổi 67 sau khi bị bắn trong lúc đang phát biểu tại Nara.