Vì sao 13 toa tàu hạng sang của Jinxin- Trung Quốc nằm đắp chiếu, không thể đưa vào chạy?

13 toa tàu hạng sang của Tập đoàn Jinxin (Trung Quốc) vẫn đang nằm 'đắp chiếu' tại Công ty CP Xe lửa Gia Lâm. Được biết, 13 toa tàu này được Tập đoàn Jinxin thuê Công ty CP xe lửa Gia Lâm lắp ráp 8 toa và Công ty CP Toa xe Dĩ An 5 toa.

Chưa được cấp phép đăng kiểm vì chưa hoàn thành chạy thử

Hiện cả 13 toa xe đều đã được tập kết về nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Dự án gồm 6 toa giường nằm, 5 toa ghế ngồi, 1 toa xe hàng cơm và 1 toa xe công vụ phát điện. Các thiết bị và phụ tùng toa tàu đều được nhập khẩu, hai nhà máy xe lửa chỉ đóng vỏ và lắp ráp...

Chi phí được Tập đoàn Jinxin chi trả cho các nhà máy lắp ráp khoảng 1,6 - 2 tỉ đồng/toa. Các thiết bị, phụ tùng đều được nhập khẩu, hầu hết chưa có trên thị trường Việt Nam.

Theo Tập đoàn Jinxin, tổng giá trị đóng 13 toa tàu hơn 275 tỉ đồng. Các toa tàu đã được giới thiệu tại Hội nghị đường sắt ASEAN lần thứ 42 tại Đà Nẵng vào năm 2022.

Được biết, các toa xe này đã hoàn thành chạy thử nghiệm 15.000km nhưng chưa thể cấp giấy phép đăng kiểm vì chưa đủ điều kiện.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, theo Quy chuẩn Việt Nam 18:2018/BGTVT, các toa xe cần phải chạy thử nghiệm 100.000km, đảm bảo các điều kiện an toàn.

Quy định này được đưa ra căn cứ trên kinh nghiệm đường sắt quốc tế và một số nước đưa ra các quy định ràng buộc như vậy. Nhưng đối với đường sắt Việt Nam hiện là đường sắt đơn, năng lực thông qua hạn chế, nên chạy thử nghiệm đoàn tàu sẽ chiếm dụng đường, phải dừng chạy đoàn tàu khác. Trong khi gần như lúc nào trên đường cũng có tàu chạy, vì thế để các toa xe này chạy thử nghiệm đủ 100.000km sẽ đòi hỏi mất nhiều thời gian.

13 toa tàu hạng sang của Tập đoàn Jinxin- Trung Quốc đang nằm tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm

13 toa tàu hạng sang của Tập đoàn Jinxin- Trung Quốc đang nằm tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Được biết, theo quy định hiện hành, toa xe đường sắt quốc gia phải chạy thử nghiệm vận dụng 100.000km. Quy định này được áp dụng theo quy chuẩn quốc gia về phương tiện đường sắt ban hành năm 2011.

Để đảm bảo cho các quy định được cập nhật và phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, đáp ứng được các loại hình đường sắt mới như đường sắt đô thị với các công nghệ khác nhau, cũng như phù hợp với các yêu cầu đối với loại hình đường sắt truyền thống, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trình Bộ GTVT sửa đổi ban hành các quy chuẩn về linh kiện cũng như các quy chuẩn kỹ thuật về phương tiện.

Các quy định sửa đổi, bổ sung trên cơ sở nghiên cứu các quy định của EN (tiêu chuẩn châu Âu), IEC (Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế), các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản..., đảm bảo hài hòa với quy định quốc tế, cũng như đã được lấy ý kiến rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đối với quy định về chạy thử nghiệm vận dụng, quy chuẩn sửa đổi lần này đã cập nhật các quy định mới của châu Âu, quy chuẩn Hàn Quốc, quy định Trung Quốc... quy định về số km chạy thử nghiệm vận dụng 5.000km đối với phương tiện giao thông đường sắt kiểu loại mới.

Như vậy, theo quy định mới từ ngày 21/12/2023, phương tiện giao thông đường sắt phải chạy thử nghiệm vận dụng tối thiểu 5.000 km để xem xét cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

Tập đoàn Jinxin mới đến hỏi thủ tục

Liên quan đến trường hợp toa xe đóng mới, lắp ráp tại Việt Nam của Tập đoàn Jinxin, Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, hiện doanh nghiệp này mới đến hỏi thủ tục liên quan đến kiểm tra chứng nhận đối với 13 toa xe, nhưng chưa thực hiện các thủ tục, nộp hồ sơ theo quy định.

Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiến hành thực hiện chứng nhận khi có đề nghị chính thức từ phía công ty. Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận chất lượng theo Thông tư số 29/2018.

"Trường hợp Jinxin nộp hồ sơ sau thời điểm 21/12/2023 sẽ áp dụng theo quy chuẩn mới, tức số km chạy thử nghiệm vận dụng tối thiểu là 5.000km, thông tin này phải thể hiện trong hồ sơ xin cấp chứng nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong các điều kiện, vì để được cấp giấy chứng nhận chất lượng, ngoài cần đáp ứng quy định thì còn phải đáp ứng các quy định khác có liên quan đến các tổng thành linh kiện như đầu đấm - móc nối, giá chuyển hướng, van hãm...", đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho hay.

Sau khi được cấp giấy đăng kiểm, Jinxin có thể gửi hồ sơ đến Cục Đường sắt Việt Nam để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và thực hiện các quy định khác theo quy định để đưa phương tiện vào khai thác thương mại.

Năm 2019, thực hiện hợp tác nguyên tắc với đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Jinxin (Trung Quốc) thuê Công ty CP Xe lửa Gia Lâm và Công ty CP Toa xe Dĩ An thuê đóng vỏ thép thùng xe và lắp ráp 13 toa xe; Còn toàn bộ thành vách toa xe, nội thất, thiết bị bên trong xe, hệ thống điện và bộ phận chạy là nhập từ Trung Quốc sang. Nội thất cũng được sản xuất toàn bộ bằng module, các đơn vị chỉ thực hiện lắp ráp.

Đoàn xe khách gồm 13 toa xe: 6 toa xe giường nằm loại 28 giường, 5 toa xe ghế ngồi loại 56 ghế, 1 toa xe hàng cơm và 1 toa xe công vụ phát điện. Các toa xe được thiết kế theo yêu cầu của đường sắt Việt Nam, nhưng đảm bảo hiện đại, nhiều tiện ích cho hành khách.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-13-toa-tau-hang-sang-cua-jinxin-trung-quoc-nam-dap-chieu-khong-the-dua-vao-chay-post558546.antd