Điện Kremlin mới đây đã yêu cầu tổ hợp công nghiệp quốc phòng mà trọng tâm là nhà máy Uralvagonzavod cung cấp cho Quân đội Nga số lượng lên đến 1.500 xe tăng sản xuất mới trong năm 2023.
Tổng thống Vladimir Putin và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang - ông Dmitry Medvedev đã nói về điều này như một trọng tâm của kế hoạch tái trang bị vũ khí nhằm bù đắp những tổn thất.
Tuy nhiên tham vọng nói trên của Moskva bị nhận xét là rất khó hoàn thành, đặc biệt khi các nhà máy thiết giáp còn phải mang những xe tăng hạng trung T-54/55 cổ điển ra để sửa chữa.
Không chỉ có vậy, báo chí Nga thậm chí còn nói về việc thành lập một sư đoàn tăng mới dựa trên T-34, SU-100 hay IS-8 được đưa ra khỏi "viện bảo tàng" và phục hồi tại các cơ sở của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga.
Trong bối cảnh hiện tại, dự báo các nước phương Tây sẽ hạn chế nghiêm ngặt hơn các lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga, để Điện Kremlin không thể thực hiện tham vọng chế tạo 1.500 xe tăng của mình.
Đồng thời các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây cũng "vào cuộc" để làm rõ tình trạng hiện tại của những cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga chịu trách nhiệm chế tạo xe tăng, thiết giáp.
Ví dụ vào cuối tháng 2 năm 2023, tờ Business Insider của Mỹ đã lưu ý rằng đội ngũ nhân viên của nhà máy Uralvagonzavod - đầu tàu của ngành công nghiệp thiết giáp Nga, hiện có tổng cộng 30 nghìn người.
Nhưng đáng ngạc nhiên là đội ngũ khổng lồ nói trên chẳng thể "nhảy qua" rào cản sản xuất 20 xe tăng mỗi tháng, do sự thiếu hụt nghiêm trọng chất bán dẫn cần thiết cho việc tạo ra hệ thống điều khiển hỏa lực.
Các nhà máy sửa chữa xe tăng, thiết giáp khác của Liên bang Nga có thể "vắt kiệt công suất" tới 70 chiếc xe tăng trong một tháng, nhưng chất lượng phục hồi của chúng thực sự là một vấn đề gây tranh cãi.
Như tờ The Telegraph của Anh viết, Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang nỗ lực tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và thực thể giúp Liên bang Nga tiếp cận chất bán dẫn, đặc biệt cần thiết để sản xuất xe bọc thép.
Châu Âu cho rằng Nga đang "lách luật" khi nhập khẩu chất bán dẫn dưới hình thức mua ô tô, đồ gia dụng và máy ảnh... những thứ này sau đó được tháo rời thành nhiều bộ phận để lấy phụ tùng cần thiết.
Việc nhập khẩu "đồ gia dụng" đã tăng 60 - 80% trong vài tháng qua và EC muốn ngăn chặn cách tiếp cận này của Nga càng nhiều càng tốt, để Moskva không thể cung cấp phụ tùng cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng của mình.
Trước viễn cảnh bị siết chặt nguồn cung, Nga đang tìm cách thu mua linh kiện từ những quốc gia không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây, ví dụ như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Nhưng triển vọng của bước đi này cũng không thực sự khả quan, bởi những đối tác trên cũng phải dè chừng sự quan sát từ Mỹ và châu Âu, đặc biệt khi quan hệ thương mại của họ với phương Tây vẫn chiếm tỷ trọng vô cùng lớn trong nền kinh tế quốc dân.