Vì sao 300 căn chung cư ở TP.HCM bị rạn nứt do ảnh hưởng bởi động đất ở Myanmar?
Sau trận động đất mạnh 7 ,7 độ richter tại Myanmar, TP.HCM đã ghi nhận hiện tượng rung chấn rộng khắp nhiều khu vực, đặc biệt tại các tòa nhà cao tầng đã ghi nhận bị rạn nứt.
300 căn chung cư Diamond Riverside bị rạn nứt sau động đất
Đáng chú ý, theo phản ánh của người dân, tại chung cư Diamond Riverside (quận 8), nhiều khu vực hành lang tại các tầng bị bung gạch lót sàn và ốp tường. Ngoài ra, khoảng 300 căn hộ ghi nhận tình trạng rạn nứt.
Vào chiều 30/3, đại diện UBND quận 8 cho hay, ngay sau khi xảy ra dư chấn, chính quyền địa phương đã nhanh chóng nắm bắt tình hình tại các chung cư trên địa bàn. Toàn bộ hệ thống chính trị quận 8 đã được huy động vào cuộc nhằm kiểm tra và đánh giá kỹ tất cả các chung cư.
Qua kiểm tra, chỉ có chung cư Diamond Riverside (quận 8) bị ảnh hưởng với khoảng 300 căn hộ xuất hiện các vết nứt. Tuy nhiên, những vết nứt này không gây ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của tòa nhà.
Hiện tại, chính quyền địa phương đã chủ động trao đổi, trấn an người dân, giúp họ hiểu rõ tình hình và yên tâm hơn. Từ thời điểm xảy ra dư chấn đến nay, công tác kiểm tra đã được thực hiện liên tục.

Khoảng 300 căn chung cư tại Diamond Riverside ở TP.HCM ghi nhận rạn nứt sau trận động đất ở Myanmar vừa qua
Từ ngày 31/3, UBND quận 8 đã phối hợp cùng Sở Xây dựng TP.HCM và công ty bảo hiểm của chung cư để triển khai những biện pháp nghiệp vụ cần thiết. Trong quá trình này, UBND quận 8 cam kết tiếp tục rà soát để đảm bảo an toàn và ổn định tình hình cho các chung cư trên địa bàn.
Được biết, chung cư Diamond Riverside nằm tại mặt tiền Đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP.HCM. Dự án có quy mô 4,15ha với 1.602 căn hộ và 50 căn (dạng thông tầng - Shophouse) với 4 block chiều cao 29 tầng, diện tích căn hộ từ 68-84 m2…Tổng mức đầu tư dự án là 2.388 tỷ đồng, với tiến độ xây dựng và bàn giao từ năm 2017 - 2020.
Theo tìm hiểu, chủ đầu tư dự án Diamond Riverside quận 8 là Công ty CP Đầu tư 577 (NBB).
Công ty CP Đầu tư 577 được thành lập vào tháng 7/2005, với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng. Sau 20 năm thành lập, NBB có vốn điều lệ là 1.004,7 tỷ đồng, và mở rộng quy mô hoạt động trên nhiều địa phương khác nhau thông qua hoạt động của 4 chi nhánh và 2 công ty thành viên.
Công ty mẹ của NBB là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII). Tỷ lệ sở hữu của CII là 63,05% trong đó sở hữu trực tiếp 45,90% và sở hữu gián tiếp 17,15% thông qua Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư CII (một công ty do CII sở hữu 100% vốn).
CII là doanh nghiệp có tiếng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, bất động sản.
Nguyên do vì đâu có sự khác biệt?
Điều khiến người dân quan tâm là vì sao 300 căn hộ chung cư ở TP.HCM lại bị rạn nứt cho ảnh hưởng từ rung chấn động đất ở Myanmar trong khi các chung cư ở Hà Nội đến thời điểm này chưa ghi nhận gì, dù Hà Nội còn gần tâm chấn động đất hơn TP.HCM.

Tâm chấn trận động đất 7,7 richter ở Myanmar vừa qua
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (nay là Viện Các Khoa học Trái đất), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2009, các nhà khoa học thực hiện bản đồ phân vùng rủi ro động đất của TP.HCM.
Kết quả cho thấy, nền địa chất khu vực này yếu và rất phức tạp. Tại khu vực của thành phố Sài Gòn cũ, nền địa chất chắc hơn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của thành phố, các khu vực mở rộng sau này có nền địa chất yếu hơn, nhiều nơi từng là các bãi đầm lầy với nền địa chất rất yếu, nhất là khu vực phía nam và đông nam của thành phố.
PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, nền địa chất yếu, kết hợp với việc gia cố nền móng chưa đảm bảo tiêu chuẩn có thể khiến các công trình xây dựng bị ảnh hưởng sau khi rung chấn xảy ra.
Trước đó, trận động đất mạnh 7.7 độ tại Myanmar trưa 28/3 đã gây rung chấn cho nhiều công trình cao tầng ở TP.HCM dù cách tâm chấn trận động đất đến 1.700km. Các nhà khoa học lý giải, cường độ trận động đất mạnh, tâm chấn nông kết hợp với nền địa chất yếu khiến TP.HCM cảm nhận rõ rung lắc.
PGS Cao Đình Triều chia sẻ thêm, TP.HCM là nơi có đứt gãy sông Sài Gòn hoạt động với cường độ yếu. Động đất mạnh nhất ở đây ít khả năng vượt quá 5 độ. Tuy nhiên, dọc đới đứt gãy này, nền địa chất khá yếu. Vì vậy, các công trình xây dựng cần phải hết sức chú ý đến kết cấu nền móng.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng, việc người dân cảm nhận được rung chấn từ động đất hay không phụ thuộc vào ba yếu tố chính. Đầu tiên phải kể đến khoảng cách, ở càng gần tâm chấn thì càng cảm nhận rõ. Yếu tố thứ hai là nền đất. Nền đất khác nhau sẽ rung lắc khác nhau.
Yếu tố thứ ba là công trình. Người ở công trình thấp không cảm nhận được nhưng người ở công trình cao sẽ cảm nhận rõ hơn.