Vì sao 62 bệnh được lựa chọn thông cấp chuyên sâu, không cần giấy chuyển tuyến?

Bộ Y tế ban hành 167 bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được thông cấp cơ bản, chuyên sâu mà không cần giấy chuyển tuyến; trong đó có 62 bệnh, nhóm bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng bệnh viện cấp chuyên sâu.

Ngày 2-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị toàn quốc phổ biến Thông tư 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh: Thu Trang

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh: Thu Trang

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong Thông tư 01 có quy định chưa có tiền lệ, đó là danh mục bệnh được thông tuyến, người bệnh không phải thực hiện thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đây là lần đầu Bộ Y tế xây dựng danh mục bệnh được thông tuyến trong hàng nghìn mã bệnh theo danh mục đã ban hành.

Theo Thông tư 01, Bộ Y tế ban hành 167 bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được thông cấp cơ bản, chuyên sâu mà không cần giấy chuyển tuyến; trong đó có 62 bệnh, nhóm bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng bệnh viện cấp chuyên sâu.

Lý giải về sự lựa chọn 62 bệnh thuộc nhóm bệnh hiếm, hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cấp chuyên sâu, theo bà Trần Thị Trang, một số bệnh đáp ứng nằm trong nhóm bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, nhưng cơ sở khám chữa bệnh cấp cơ bản, ban đầu chưa thể triển khai chủ động, toàn diện, đặc biệt là với điều kiện về trang thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm điều trị, khi đó mới được lên cấp chuyên sâu.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các bệnh được lên cấp chuyên sâu cũng cần bảo đảm tránh tình trạng quá tải cấp cao hơn và cân đối Quỹ BHYT.

Cũng theo bà Trần Thị Trang, nếu toàn bộ danh mục bệnh ung thư, hay bệnh không lây nhiễm (như: Tăng huyết áp, đái tháo đường) được thông toàn bộ lên cấp chuyên sâu thì bảo đảm chắc chắn quá tải tuyến trên. Bởi vì chỉ có ít bệnh viện chuyên sâu, trong khi mặt bệnh đó có hàng nghìn mã bệnh như ung thư có khoảng 1.000 mã bệnh.

Với việc ban hành Thông tư 01, bà Trần Thị Trang cho rằng, người bệnh chỉ cần cầm điện thoại, thậm chí ai có trí nhớ tốt chỉ cần ghi nhớ mã số thẻ BHYT, có thể đi tay không đến cơ sở khám chữa bệnhmà vẫn được hưởng tối đa quyền lợi BHYT trong phạm vi được hưởng như đi đúng trình tự.

Hiện người tham gia BHYT có 3 mức hưởng, gồm: 80%-95% và 100%. Nếu được hưởng 100% trong phạm vi quy định thì người bệnh vẫn phải đồng chi trả 5% hoặc 20%.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, Việt Nam hiện có khoảng 354.000 người sống chung với ung thư. Trong khi đó, bệnh lý đái tháo đường có gần 5 triệu người Việt mắc phải. Nếu “thông cấp chuyên sâu” toàn bộ các bệnh này mà không phân luồng theo mức độ, tình trạng, tính chất chuyên môn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng nghìn bệnh nhân nặng khác.

Năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt khoảng 94% dân số; số lượt khám bệnh, chữa bệnh BHYT khoảng trên 180 triệu lượt với số chi ước khoảng 142.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thông tư 01 là văn bản quan trọng hướng dẫn việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho trên 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai hiệu quả chính sách BHYT trong giai đoạn mới.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vi-sao-62-benh-duoc-lua-chon-thong-cap-chuyen-sau-khong-can-giay-chuyen-tuyen-689267.html