Tử Cấm Thành là nơi ở của các hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh dưới thời phong kiến. Không chỉ là nơi tập trung quyền lực, nơi đây còn số lượng của cải, châu báu nhiều nhất nước.
Khi tìm hiểu về Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hơn 70 giếng nước được giới chuyên gia cũng như công chúng khá quan tâm. Điều này xuất phát từ việc những giếng nước này được cho là nơi cất giấu nhiều vàng bạc, bảo vật quý hiếm.
Theo một số giai thoại, Tử Cấm Thành là nơi sinh sống của hoàng đế cùng hàng ngàn phi tần, mỹ nữ, cung nữ, thái giám... Với số lượng lớn như vậy, cuộc sống trong hoàng cung vô cùng phức tạp.
Một số cung nữ, thái giám hầu cận với chủ tử nảy sinh ý đồ ăn trộm những món đồ trang sức hoặc chút ít vàng bạc rồi mang ra ngoài cung bán lấy tiền.
Khi biết hành vi của mình bị bại lộ, những cung nữ, thái giám này tìm cách phi tang chứng cứ phạm tội. Do vậy, nhiều người quyết định ném xuống giếng nước để thoát thân.
Thêm nữa, khi liên quân 8 nước tấn công Bắc Kinh, hoàng đế và Từ Hy Thái Hậu cùng triều đình đã phải vội vã rời khỏi Tử Cấm Thành để đến Tây An nánh nạn. Do phải rời cung vội vã nên họ không thể mang theo toàn bộ vàng bạc, châu báu và những đồ giá trị.
Từ Hy Thái Hậu không muốn những thứ giá trị không mang đi được rơi vào tay kẻ khách nên sai người ném xuống giếng. Sau khi tình hình ổn định, hoàng tộc nhà Thanh sẽ cho vớt số châu báu đó từ dưới các giếng lên.
Thế nhưng, việc trục vớt châu báu dưới các giếng nước ở Tử Cấm Thành là nhiệm vụ "bất khả thi". Bởi lẽ, những giếng nước có kích thước nhỏ hẹp. Vì vậy, con người khó có thể xuống dưới giếng một cách dễ dàng rồi vớt của cải bên dưới lên trên.
Một lý do khác là những giếng nước trong hoàng cung được thiết kế liên kết với nhau và tạo ra hệ thống nước ngầm rộng lớn. Vậy nên, việc tìm kiếm châu báu càng khó hơn vì chúng có thể bị trôi đến những vị trí khó tiếp cận.
Do đó, hàng chục giếng cổ ở Tử Cấm Thành trở thành bí ẩn khiến nhiều người tò mò.
Tâm Anh (TH)