Vì sao Anh hai lần từ chối giúp đỡ đồng minh Mỹ bắt tàu Iran?

Việc chính quyền lãnh thổ Gibraltar (thuộc Anh) thả tàu chở dầu của Iran bất chấp tư pháp Mỹ hai lần yêu cầu giữ lại nói nên điều gì?

Tàu chở dầu Grace 1 đã đổi tên thành Adrian Darya 1 và treo cờ Iran thay vì Panama như trước đã rời Gibraltar ngày 19/8

Tàu chở dầu Grace 1 đã đổi tên thành Adrian Darya 1 và treo cờ Iran thay vì Panama như trước đã rời Gibraltar ngày 19/8

Ngày 19/8, tàu chở dầu Grace 1 của Iran đã rời Gibraltar sau 45 ngày bị chính quyền lãnh thổ Anh bắt giữ. Tàu chở dầu Grace 1 trước khi ra khơi hướng tới đích đến mới ở Ai Cập đã đổi tên thành Adrian Darya 1, treo cờ Iran thay vì Panama như trước. Trước đó ngày 15/8, tòa án Gibraltar thông báo thả Grace 1, bị bắt ngày 4/7 vì nghi ngờ vận chuyển 2,1 triệu thùng dầu Iran đến Syria - vi phạm lệnh cấm vận của EU - sau khi nhận được cam kết bằng văn bản của Tehran rằng họ sẽ không đưa số dầu trên tàu Grace 1 tới Syria.

Trước khi tòa án Gibraltar ra quyết định thả tàu Grace 1, Washington đã đệ đơn yêu cầu hỗ trợ pháp lý đến Tòa án tối cao Vương quốc Anh, yêu cầu giữ lại tàu chở dầu Iran, công tố viên Joseph Triay cho biết sáng 15/8. Nhưng chính quyền Gibraltar phớt lờ yêu cầu này. Ngay ngày hôm sau, 16/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã ban hành lệnh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1, cáo buộc tàu này có những liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố. Một tòa án liên bang ở Washington ban hành lệnh thu giữ con tàu, dầu mà nó đang chở và gần 1 triệu đôla. “Một mạng lưới các công ty bình phong bị cáo buộc đã rửa hàng triệu đôla để hỗ trợ cho các lô hàng như vậy”, công tố viên liên bang Hoa Kỳ, Jessie Liu, nói trong một thông cáo báo chí.

Với những lý do trên, Washington tiếp tục yêu cầu chính quyền Gibraltar giữ lại tàu Grace 1. Tuy nhiên, ngày 18/8, chính quyền Gibraltar đã một lần nữa từ chối yêu cầu của Mỹ về việc giữ tàu, viện dẫn các cấm vận của EU đối với Iran khác biệt về căn bản so với cấm vận của Mỹ. Ngoài ra, không giống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu không coi IRGC là một tổ chức khủng bố và không áp dụng các biện pháp trừng phạt giống như Mỹ. "Theo luật pháp châu Âu, Gibraltar không thể đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ. Chính sách trừng phạt của Liên minh châu Âu về cơ bản khác với Hoa Kỳ. Ngoài ra, các quy định của châu Âu đặc biệt nghiêm cấm áp dụng một số luật nhất định của Hoa Kỳ, bao gồm cả những quy định về trừng phạt chống lại Iran”, chính quyền Gibraltar nhấn mạnh trong một thông báo.

Trước sức ép từ Mỹ, ngày 19/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết, nếu Mỹ có bất kỳ yêu cầu nào về việc bắt giữ tàu dầu Grace 1 ở hải phận quốc tế, thì đó sẽ là một sự đe dọa đối với an toàn hàng hải. "Iran đã cảnh báo chính quyền Mỹ thông qua các kênh chính thức, cụ thể là đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran, rằng điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng", phát ngôn viên Abbas Mousavi nói trong một cuộc họp báo ở Tehran. Ông Mousavi cũng nhấn mạnh rằng việc Washington yêu cầu chính quyền Gibraltar gia hạn thời gian giữ tàu là bất hợp pháp. Trước đó ngày 18/8, Tư lệnh hải quân Iran khẳng định sẽ triển khai hạm đội bảo vệ tàu Grace 1 trong hành trình về lãnh hải Iran nếu được yêu cầu.

Tàu chở dầu Grace 1 của Iran mang hơn 2 triệu thùng dầu bị Hải quân Hoàng gia Anh giữ ngoài khơi Gibraltar ngày 4/7. Sự vụ đã làm dấy lên căng thẳng giữa London và Iran. Tehran sau đó đã đáp lại bằng việc bắt giữ 1 chiếc tàu dầu mang cờ hiệu Anh, Stena Impero, ở eo biển Hormuz vì nghi ngờ "không tuân thủ quy định hàng hải quốc tế". "Nếu Grace 1 được thả, có lẽ Iran cũng sẽ phóng thích tàu Stena Impero”, Sanam Vakil, nhà nghiên cứu tại Viện Chatham House London nói với AFP.

Căng thẳng giữa Iran với Hoa Kỳ và Anh trong những tuần gần đây đã khiến nhiều tàu chở dầu khác bị “vạ lây” ở eo biển Hormuz. Ngoài tàu Stena Impero, Iran còn bắt 2 tàu chở dầu khác là tàu MT Riah, treo cờ Panama, vào ngày 14/7 và 1 tàu chở dầu với 7 thuyền viên nước ngoài ngày 31/7. Cả quốc tịch của tàu và thuyền viên trên tàu thứ hai đều không được tiết lộ trong vụ bắt giữ. Hai chiếc tàu bị bắt sau này đều bị cáo buộc chở dầu lậu và bị Tehran tịch thu toàn bộ số hàng. Trước khi xảy ra các vụ bắt giữ trên, nhiều cuộc phá hoại tàu chở dầu và thương mại cũng được ghi nhận tại vùng Vịnh, sau khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran bắt đầu leo thang. Washington cáo buộc Tehran đứng sau các vụ phá hoại này nhưng Iran bác bỏ.

Việc Gibraltar thả tàu Grace 1 bất chấp sự can ngăn của Mỹ cho thấy chiến thuật gây sức ép tối đa với Iran của Mỹ đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Ngày càng có nhiều đồng minh quay lưng lại với Mỹ, trong đó có cả những đồng minh được xem là thân cận nhất như Anh. Điều này cũng minh chứng rằng ngay cả khi bản thân chính quyền của Thủ tướng Anh Boris Johnson rất cần Mỹ để có thể kết thúc tiến trình Brexit đầy trắc trở nhưng với vấn đề Iran, rõ ràng ông Johnson đã thiên về giải pháp của châu Âu hơn của Mỹ dù trong cuộc vận động tranh ghế thủ tướng, ông chủ trương xích lại gần hơn với Mỹ.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gần đây đảm bảo rằng Paris, London và Berlin đang thực hiện một "nhiệm vụ giám sát và quan sát an toàn hàng hải ở vùng Vịnh". Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Florence Parly nhấn mạnh rằng sẽ không có chuyện Paris triển khai các phương tiện quân sự bổ sung tới vùng Vịnh vì lo sợ làm gia tăng căng thẳng. Norbert Röttgen, quan chức đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel (CDU) và là chuyên gia đối ngoại, cũng cảnh báo rằng cách xử trí khủng hoảng nên là của châu Âu và "phải độc lập với yêu cầu của Mỹ". Một nhà ngoại giao cao cấp của EU cho biết quyền tự do hàng hải là rất cần thiết, nhưng việc này nên tách biệt với chiến dịch gây áp lực tối đa của Mỹ đối với Iran.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-anh-hai-lan-tu-choi-giup-do-dong-minh-my-bat-tau-iran-546776.html