Vì sao Anh sẽ chật vật hơn khi đối phó với làn sóng COVID-19 thứ hai?
Mặc dù Anh chi 3 tỷ bảng cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), song khoản hỗ trợ khó có thể giải quyết mọi vấn đề, đặc biệt là khi dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn trong mùa đông tới.
Theo đài Sputnik (Nga), Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 17/7 tuyên bố NHS sẽ nhận được thêm 3 tỷ bảng tiền mặt để chuẩn bị cho làn sóng COVID-19 thứ 2 nguy cơ diễn ra trong mùa đông tới. Bên cạnh đó, các khu vực gồm Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland cũng sẽ nhận được gói ngân sách bổ sung.
Theo văn phòng của Thủ tướng Boris, gói ngân sách mới cho phép NHS tiếp tục tận dụng các giường bệnh tư và duy trì bệnh viện dã chiến Nightingale cho đến hết tháng 3/2021. Chính phủ Anh cũng cam kết tăng khả năng xét nghiệm lên ít nhất 500.000 lượt/ngày cho đến hết tháng 10/2020.
Tính đến 19h ngày 19/7, Anh ghi nhận tổng cộng 294.066 ca mắc COVID-19, trong đó có 45.273 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, theo một báo cáo do Viện Khoa học Y tế công bố ngày 14/7, Anh có thể chứng kiến số ca tử vong vì COVID-19 mới tăng lên tới 120.000 ca trong mùa đông này.
Ông Niall Dickson – Giám đốc điều hành Liên minh NHS - nhận định gói ngân sách mới cho NHS là một liều thuốc quan trọng vì cơ quan này phải đối mặt với "cơn bão sắp tới”. Ông Niall cảnh báo các dịch vụ y tế “sẽ chỉ có thể hoạt động 60% công suất bình thường”.
Trong khi đó, bà Saffron Cordery – Giám đốc Chính sách và Chiến lược tại tổ chức NHS Providers chuyên tham gia vào các cuộc đàm phán giữa các quỹ tín thác và Bộ Y tế - kêu gọi Văn phòng Thủ tướng Boris nên nêu rõ các hạng mục mà gói ngân sách 3 tỷ bảng sẽ hỗ trợ.
Bà Cordey nhấn mạnh NHS phải đối mặt trước loạt sức ép, bao gồm cúm mùa, đại dịch COVID-19 đang hoành hành và nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ 2. Bà nói: “Họ cần phải khôi phục những gì đã mất trong 4-5 tháng qua và đưa ra các biện pháp để xử lý bất kỳ tình huống nào xảy ra trong mùa đông”.
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân COVID-19, các dịch vụ y tế Anh cũng phải chăm lo cho hàng triệu bệnh nhân khác mà quá trình điều trị trước đó đã bị COVID-19 làm gián đoạn.
Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) yêu cầu chính phủ làm rõ ngân sách mới sẽ được sử dụng như thế nào và liệu nó có đủ để giải quyết cả hai nhóm đối tượng bệnh nhân. “BMA ước tính so với 2 năm trước, số ca phẫu thuật và điều trị cũng như số lần hẹn khám đối với bệnh nhân ngoại trú trong 3 tháng qua giảm lần lượt 1,5 triệu ca và 2,5 triệu lượt”, Tiến sĩ Chaand Nagpaul – Chủ tịch Hội đồng BMA – nhấn mạnh.
Sức khỏe của các nhân viên y tế cũng cần được đặc biệt quan tâm nếu như làn sóng COVID-19 thực sự ập tới.
“Chi ngân sách nhiều hơn là điều tốt, song nước Anh từ xưa đến nay vẫn chưa giải quyết được một vấn đề nghiêm trọng – đó chính là tình trạng thiếu y tá và nhân viên y tế”, Tiến sĩ Yoon Loke – giảng viên cấp cao khoa dược lý lâm sàng tại Đại học East Anglia – cho hay.
Ngay cả khi nhiều bệnh viện được mở thêm và có nhiều giường bệnh cho bệnh nhân hơn, số lượng nhân viên y tế có thể không đủ để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
“Các nhân viên y tế hiện tại dường như đã kiệt sức và lao lực sau khi đối phó với làn sóng COVID-19 đầu tiên. Nhiều người trong số họ không có ngày nghỉ. Chính vì vậy, tôi nghĩ làn sóng COVID-19 thứ hai sẽ gây khó khăn hơn đối với các cơ sở y tế ở Anh, cho dù chính phủ có cấp thêm bao nhiêu tiền đi chăng nữa”, vị bác sĩ kết luận.