Vì sao bão Noru ngày càng mạnh lên khi đi vào Biển Đông
Theo nhận định, trước khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ, siêu bão Noru sẽ đạt cường độ cực đại, giật cấp 16 trên Biển Đông.
Cường độ cực đại giật cấp 16 trước khi đổ bộ
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, vào 16 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão số 4- bão Noru ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Trong đêm nay và sáng mai, 27/9, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm.
Đến 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 320km, cách Quảng Nam khoảng 270km, cách Quảng Ngãi khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16.
Cơn bão Noru được cho là có những dấu hiệu rất dị thường, diễn biến khó lường khi hoạt động ở trên vùng ngoài khơi Philippines và khi đang di chuyển trên Biển Đông.
Theo thông tin từ cơ quan dự báo bão Philippines, ở thời điểm trước khi tiếp cận gần với đất liền, bão Noru đột ngột tăng mạnh lên 3 cấp cũng là một dấu hiệu dị thường trong cơn bão này.
Ở thời điểm quét qua đảo Luzon (Philippines), bão Noru đạt cường độ mạnh nhất gió cấp 15, giật cấp 17.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi quét qua đảo Luzon, ma sát với địa hình, cường độ bão đã giảm khi tiến vào Biển Đông với gió cấp 12 - cấp 13, giật cấp 14. Một diễn biến đáng lo ngại là khi bão Noru đi vào Biển Đông, nó có xu hướng tăng cấp, mạnh trở lại.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, cho biết trong chiều 26/9, bão Noru đã có những dấu hiệu tăng cấp, mạnh trở lại. Ở những cơn bão mạnh trước đây, khi vào Biển Đông, nếu có không khí lạnh xuống trước tác động, sẽ khiến cơn bão suy yếu nhanh.
Nhưng với cơn bão Noru, Biển Đông không có dấu hiệu hoạt động của không khí lạnh. Nhiệt độ bề mặt nước biển trên đường đi của bão cao, các điều kiện khí quyển hiện nay đang thuận lợi cho quá trình mạnh lên của bão Noru.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, bão Noru sẽ đạt cường độ mạnh nhất khi đi qua vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa với cấp 13 - cấp 14, giật cấp 16. Khi đi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở cấp 13. Dự báo, bão Noru sẽ đạt cường độ ở cấp 12 - 13, giật cấp 14 khi đổ bộ vào đất liền nước ta.
Ở cường độ này, bão Noru được đánh giá là cơn bão rất mạnh và là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Trung bộ, tương đương với cơn bão Sangxane năm 2006, Ketsana năm 2009 và Molave năm 2020.
Cập nhật đến chiều nay 26/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, trong khoảng sáng và trưa 28/6, bão Noru ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung bộ.
Mưa 400mm, sẽ có 60 huyện và đô thị bị ngập
Từ chiều 27/9 đến ngày 28/9 ở khu vực Trung Trung bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to đến rất to và giông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ 28-30/9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung bộ.
Với kịch bản mưa lớn 250-350mm các Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn (Quảng Nam) và các sông ở Phú Yên lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2; sông Vu Gia (Quảng Nam); sông Vu Gia (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức BĐ2-BĐ3, có sông lên trên BĐ3.
Kịch bản mưa lớn trên 400mm, đỉnh lũ trên các ông ở khu vực Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; sẽ có khoảng trên 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt.