Vì sao bất động sản vùng ven đắt đỏ hơn ở TP HCM?
Giá căn hộ tại các vùng lân cận TP HCM như Bình Dương, Biên Hòa hay Vũng Tàu tăng mạnh từ 1-2 năm gần đây, thậm chí cao hơn cả một số dự án tại TP HCM trong khi hạ tầng vẫn khá sơ khai. Đâu là lý do của hiện tượng bất thường này?
Căn hộ vùng ven giá tăng phi mã
Giáp ranh với TP HCM, bất động sản (BĐS) Bình Dương được coi là sôi nổi hơn cả khi năm 2020 được dự báo có khoảng hơn 100 dự án BĐS được cấp phép. Dù số lượng dự án tương đối nhiều nhưng giá căn hộ vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt. Nếu tính từ quý II-2019, nhiều dự án mở bán đợt đầu tiên đã đưa ra mức giá từ 37 tới 40 triệu đồng/m2.
Đơn cử, một dự án vừa mới được mở bán tại thị xã Thuận An có giá chào bán từ 37 triệu đồng/m2 (chưa VAT) cho tất cả loại hình 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ, 3 phòng ngủ; một dự án khác cũng nằm trên trục Quốc lộ 13 đang được rao bán 37-39 triệu đồng/m2. Nếu tính thêm các loại thuế phí, giá căn hộ đã rơi vào tầm 42-45 triệu đồng/m2, đẩy giá lên mức tương đương từ 2,1 tới hơn 3,8 tỉ đồng/căn.
Hay dự án căn hộ được quảng cáo cao cấp tại Dĩ An cách đây 1 năm dao động quanh mức 30 triệu đồng/m2, nay đang được rao bán ở mức 2,85 tỉ đồng đối với căn 2 phòng ngủ, tương đương 42 triệu đồng/m2, tăng gần 50% so với thời điểm mở bán.
Tình hình giá nóng sốt cũng diễn ra tương tự tại TP Biên Hòa và Vũng Tàu. Một dự án nằm trên trục đường Võ Thị Sáu (Biên Hòa) đang được môi giới chào bán căn 2 phòng ngủ diện tích 70 m2, giá xấp xỉ 2,9 tỉ đồng, hơn 41 triệu đồng/m2. Một khu căn hộ khác nằm tại trung tâm TP Biên Hòa cũng được giới thiệu với mức giá bật lên khoảng 40 triệu đồng/m2. Đối với TP Vũng Tàu, các căn hộ thuộc tuyến đường Lê Hồng Phong đang được chào bán ở ngưỡng 39 triệu đồng/m2. Cách đó không xa, dự án trên đường Hoàng Hoa Thám đang được rao với mức 38-40 triệu đồng/m2. Mức tăng trung bình các dự án nói trên dao động từ 15%-40% so với cách đây 1 năm.
Giá bất động sản cao do TP HCM thiếu nguồn cung?
Theo phân tích của giới chuyên môn, không phải ngẫu nhiên mà thị trường BĐS các địa phương bao quanh TP HCM chứng kiến những cơn "sóng lớn" thời gian qua.
Thực tế, BĐS vùng ven tăng giá do ảnh hưởng từ nguồn cung hạn chế của TP HCM dẫn đến nhiều nhà đầu tư buộc phải "đánh bắt xa bờ". Tiếp đó, hạ tầng các quận mới của TP HCM được đầu tư đồng bộ hơn cũng tác động làm BĐS các địa phương kế cận tăng giá theo.
Mặt khác, có thể thấy BĐS vùng ven đang bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị thực tế. Đó là do giới đầu cơ tranh thủ "ăn theo", "thổi giá" trong khi người dân tại địa phương này khó được hưởng lợi trực tiếp hệ thống hạ tầng xã hội và tiện ích. Người mua thực cần tỉnh táo để không mắc phải các "chiêu lừa" và lưu ý đến tính pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư trước khi quyết định "xuống tiền".
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP HCM - lưu ý người dân mua nhà đất tại các tỉnh vùng ven không chỉ cần nhà ở mà còn cần lưu tâm đến tiện ích, hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm (bệnh viện), trung tâm mua sắm, chợ, thậm chí là chùa chiền, nhà thờ... Đồng thời ông Hòa cảnh báo các chủ đầu tư phát triển khu đô thị, căn hộ ở các tỉnh lân cận TP HCM nếu không cẩn thận sẽ tạo ra TP "ngày sống đêm chết" hoặc chỉ hoạt động vào cuối tuần, sau đó như đô thị ma".