Vì sao bầu cử giữa kỳ năm 2022 của Mỹ tốn kém kỷ lục?
Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm nay sẽ là cuộc bỏ phiếu không bầu tổng thống tốn kém nhất lịch sử nước này.
Công ty nghiên cứu AdImpact tính toán rằng, 9,7 tỷ USD dự kiến được chi cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, tăng 144% so với kỷ lục thiết lập gần đây nhất vào năm 2018 về chi phí dành cho các cuộc bỏ phiếu tương tự.
Theo tạp chí The Economist, tổng chi phí cho bầu cử giữa kỳ năm nay thậm chí có thể vượt cả tổng chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất vào năm 2020, khiến nó trở thành cuộc bỏ phiếu đắt đỏ nhất từ trước đến nay.
Vì sao lại tốn kém đến như vậy? Do quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ đều được định đoạt tại cuộc bầu cử lần này nên cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều rất coi trọng nó. Đảng Cộng hòa đang được đánh giá có ưu thế giành lại quyền kiểm soát Hạ viện từ tay đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Joe Biden, trong khi cuộc đua thâu tóm Thượng viện có vẻ khó dự đoán hơn. Điều này làm cho cả 6 cuộc đua căng thẳng nhất vào Thượng viện đều có thể mang tính quyết định và kết quả là chúng đang thu hút một lượng tiền lớn đầu tư.
Bốn cuộc tranh chấp ghế thượng nghị sĩ đại diện các bang Arizona, Georgia, Nevada và Pennsylvania dự kiến tiêu tốn hơn 200 triệu USD. Trong khi, chỉ có 2 cuộc đua vào Thượng viện trong bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 vượt mốc 100 triệu USD. Các quỹ lớn hơn bình thường cho việc vận động tranh cử đang đổ dồn cho cuộc bỏ phiếu. Trong đó, các ứng cử viên cho vị trí ngoại trưởng đã thu được số tiền quyên góp ủng hộ cao kỷ lục.
Tuy nhiên, sự bùng nổ chi tiêu cũng phù hợp với xu hướng dài hạn, bắt nguồn từ sự phân cực đảng phái ngày càng sâu sắc ở Mỹ. Các nhóm lợi ích có thể kỳ vọng một đảng, nếu thắng cử và lên nắm quyền, thúc đẩy các lợi ích của họ trong khi đảng đối lập tấn công họ. Đối với các nhà tài trợ chiến dịch tranh cử là doanh nghiệp và cá nhân, điều này đã làm thay đổi phân tích chi phí - lợi ích của hoạt động tài trợ tranh cử.
Ngoài ra, tài trợ cho chính trị ở Mỹ đã trở nên dễ dàng hơn nhiều, sau phán quyết năm 2010 của Tòa án Tối cao, cho phép các công ty và các nhóm lợi ích bên ngoài chi tiêu không giới hạn để gây quỹ cho các cuộc bầu cử.
Một phân tích của công ty nghiên cứu OpenSecrets cho thấy, trong 10 năm sau phán quyết của Tòa án Tối cao, các tổ chức độc lập (không bao gồm các đảng chính trị) đã đóng góp 4,5 tỷ USD vào chi tiêu liên quan đến bầu cử, nhiều hơn 6 lần so với hai thập kỷ trước cộng lại. Vào năm 2022, các nhóm bên ngoài, bao gồm cả các tổ chức phi lợi nhuận và “siêu ủy ban hành động chính trị” (siêu PAC), vốn không cần tiết lộ các nhà tài trợ cho họ, đã đóng góp 1,6 tỷ USD.
Công nghệ mới cũng đã bôi trơn các bánh xe gây quỹ. Các phần mềm như nền tảng Actblue của phe Dân chủ và WinRed của đảng Cộng hòa đã giúp các cá nhân dễ dàng quyên góp.
Các nhà tài trợ nhỏ, ủng hộ từ 200 USD trở xuống, đã đóng góp tổng cộng tới 1,14 tỷ USD trong đợt bầu cử giữa kỳ năm nay, gấp đôi mức đóng góp năm 2018. Trong khi, các nhà tài trợ lớn, vốn ăn nên làm ra nhờ đợt tăng điểm kéo dài của thị trường chứng khoán, cũng chi mạnh tay hơn.
Tỷ phú J.B. Pritzker, Thống đốc Dân chủ đương nhiệm của bang Illinois, đã chi hơn 130 triệu USD cho chiến dịch tái tranh cử của ông. Nhìn chung, chi tiêu cho các cuộc đua của các thống đốc trong năm nay được dự báo sẽ gấp đôi năm 2018.
Giới quan sát nhận định, chi tiêu cho bầu cử Mỹ dường như sẽ tiếp tục tăng, bao gồm cả cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm 2024 và sau đó. Sự phân cực chính trị cũng như sự phân mảnh truyền thông ngày càng tăng, đang tạo ra nhiều nền tảng cho các nhóm vận động tranh cử có thể khai thác để thu hút sự chú ý của cử tri. Vì vậy, những đối tượng chắc chắn giành chiến thắng trong một chu kỳ bầu cử cụ thể là các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo chính trị.