Vì sao bệnh nhân 188 dương tính lại sau 2 ngày xuất viện?
Theo TS Phạm Quang Thái, kết quả dương tính có thể do tìm thấy vật liệu di truyền của SARS-CoV-2, không có nghĩa là virus này còn sống và đang gây bệnh.
Thông tin từ Bộ Y tế, sau khi được xuất viện ngày 16/4, bệnh nhân 188 đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam bàn giao lại cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội và chính quyền địa phương để tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà 14 ngày theo đúng quy định.
Đây là bệnh nhân nữ, 44 tuổi, địa chỉ Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nhân viên của Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân ở cùng, tiếp xúc gần với bệnh nhân số 169. Ngày 22/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, đau rát họng. Ngày 14/3, bệnh nhân có về quê ăn giỗ, sau đó quay lại làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở Giải Phóng và ngủ nghỉ tại đó, không đi đâu khỏi Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi được xuất viện, ngày 17/4, bệnh nhân ho khan và hơi tức ngực, nên được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đến lấy mẫu. Ngày 18/4 xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để tiếp tục theo dõi. Hiện nay, tình trạng bệnh nhân ổn định, có triệu chứng ho khan nhẹ.
PGS.TS Lê Quang Minh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nam, cho biết trong quá trình 18 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, bệnh nhân không có gì đặc biệt. Toàn bộ xét nghiệm của bệnh nhân này đều do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định. Ông Minh cho biết sau sự việc, Sở Y tế Hà Nam đã trao đổi với Bệnh viện Đa khoa Hà Nam và có nhiều giả thiết, song cần nghiên cứu thêm.
Dương tính không có nghĩa virus còn sống
Trả lời về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay thụ thể yêu thích của SARS-CoV-2 là ở phổi, không nhiều ở trên vùng hầu họng. Chính vì vậy, khi người bệnh có triệu chứng, virus đã tấn công xuống đến phổi. Khi điều trị 6-7 ngày đến hết triệu chứng, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được virus.
Khi bệnh nhân đã có 2 lần âm tính (hết triệu chứng và thêm 6 ngày chờ lấy mẫu), đa phần lần xét nghiệm tiếp theo là âm tính nhưng không loại trừ trường hợp có tổn thương ở phổi, tế bào nhiễm virus vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của virus. Lúc này, virus không gây bệnh nhưng vẫn bị bài xuất khỏi phổi, xét nghiệm ở những hệ thống nhạy vẫn cho kết quả dương tính.
“Cần lưu ý là dương tính khi phát hiện vật liệu di truyền của virus không có nghĩa là nhiễm bệnh. Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng, nhưng một số người có triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại, sẽ có những vật liệu di truyền của virus. Lúc này, khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính”, TS Thái cho hay.
Theo chuyên gia này, đến nay, chưa thấy bằng chứng về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục. Thế giới chưa ghi nhận những ca lây nhiễm thứ phát từ bệnh nhân đã điều trị khỏi. Tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn tiếp tục giữ những bệnh nhân sau hồi phục để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới này.
“Việc sai sót trong xét nghiệm là khó có thể xảy ra vì kỹ thật RT-PCR rất nhạy, chỉ cần thấy sót lại một vài vật liệu di truyền của virus là sẽ có kết quả dương tính. Dương tính trong xét nghiệm RT-PCR nghĩa là tìm thấy vật liệu di truyền của SARS-CoV-2, không có nghĩa là tìm thấy virus còn sống và đang gây bệnh”, TS Thái nhận định.
Nguyên nhân?
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết Hàn Quốc cũng có 163 bệnh nhân dương tính trở lại sau khi đã hồi phục. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc và Tổ chức Y tế thế giới đang nghiên cứu về các trường hợp này nhưng chưa có kết luận cụ thể.
Tuy nhiên, điều tra ban đầu cho thấy có thể do một số nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân.
Nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển được đủ để chống lại virus hoặc hệ miễn dịch bị yếu đi sau khi hồi phục, lượng virus trước đây chưa được phát hiện có thể được kích hoạt trở lại.
Virus có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại.
Test xét nghiệm phát hiện ra những phần "chết" của virus mà không còn khả năng lây nhiễm hay lây lan.
Lỗi trong việc lấy mẫu, xử lý mẫu và xét nghiệm.
Ông Phu cho biết Hàn Quốc cũng chia sẻ về việc phân tích lượng virus trên một số bệnh nhân dương tính lại cho thấy không thể nuôi cấy, phân lập được. Điều đó có nghĩa virus đã chết hoặc tồn tại với một lượng quá nhỏ.
“Một số trường hợp dương tính lại có thể có virus sống và khiến bệnh nhân xuất hiện triệu chứng. Tới nay, Hàn Quốc có khoảng 61 bệnh nhân như vậy. Những bệnh nhân này trên lý thuyết có khả năng lây lan cho người khác, tuy nhiên, cũng chưa ghi nhận các ca lây nhiễm thứ phát từ các ca này”, PGS Phu cho hay.
Ông nhấn mạnh các nhận định khoa học trên vẫn là "có thể" và chưa có kết luận chính xác.