Vì sao bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa thường tăng trong mùa hè?
Những ngày hè nắng nóng, nhiều người thường nghĩ, uống bia sẽ giúp giải nhiệt. Nhưng cũng chính vì cách giải nhiệt này mà nhiều người đã bị xuất huyết tiêu hóa.
Xuất huyết tiêu hóa hay còn được gọi là chảy máu tiêu hóa. Hiện tượng này xảy ra do thành mạch máu bị tổn thương dẫn đến máu thoát ra khỏi lòng mạch và chảy vào trong ống tiêu hóa, thể hiện thành 2 hội chứng chính là mất máu và chảy máu. Tình trạng này có thể gặp ở bất cứ phân đoạn nào của đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột hay hậu môn.
Căn cứ vào vị trí xuất huyết ở trong ống tiêu hóa mà tình trạng này được chia thành 2 loại chính là xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới.
Theo thống kê ở nước ta, cứ 100.000 người thì có 50-150 người bị xuất huyết tiêu hóa mỗi năm, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng. Về nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa, PGS.TS Nguyễn Cảnh Bình – Chủ nhiệm Khoa Điều trị Bệnh ống tiêu hóa – Bệnh viện TW Quân đội 108 cho biết: Đối với xuất huyết tiêu hóa trên hay gặp nguyên nhân do viêm loét dạ dày, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, hội chứng Mallory – Weiss… Còn xuất huyết tiêu hóa dưới thường là do viêm loét đại trực tràng chảy máu, trĩ, chảy máu túi thừa…
Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Bình, ngoài những nguyên nhân về bệnh lý gây xuất huyết tiêu hóa thì rượu bia cũng là yếu tố gây ảnh hưởng lớn. “Rượu, bia không phải là nguyên nhân trực tiếp mà là yếu tố thuận lợi gây xuất huyết tiêu hóa. Uống rượu, bia có thể gây rối loạn đông máu. Đặc biệt là ở những bệnh nhân uống nhiều rượu, bia thì có thể sau một bữa uống bị nôn nhiều lần gây tổn thương thực quản, hội chứng Mallory – Weiss,… dẫn đến xuất huyết tiêu hóa”.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Bình cho biết, khoa Điều trị Bệnh ống tiêu hóa – Bệnh viện TW Quân đội 108 thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa sau khi uống rượu bia vào mùa hè. Có những bệnh nhân bị rách ở đoạn tâm vị thực quản do nôn nhiều. Đối với những bệnh nhân này, bác sĩ phải xử lý bằng cách nội soi để kẹp chỗ rách lại.
Xuất huyết tiêu hóa là cấp cứu nội và ngoại khoa. Ở những bệnh nhân mà lượng máu mất khoảng trên 30% thì có thể bị sốc, mất máu và thậm chí có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Nguy cơ này đối với người lạm dụng rượu bia càng lớn hơn bởi những người này thường không chỉ cấp cứu 1 lần mà nhiều lần. “Đối với những người lạm dụng rượu bia thì xuất huyết tiêu hóa nặng hơn. Những ổ loét không có cơ hội liền hoàn toàn, có thể gây ra xuất huyết tiêu hóa mạn tính. Bệnh nhân xơ gan do rượu, bia ngày càng nặng lên, trở thành mạn tính và có những đợt cấp tính. Bệnh nhân có thể tử vong ngay trong giai đoạn đầu.” – PGS. TS Nguyễn Cảnh Bình cho biết.
Khi xuất huyết tiêu hóa kéo dài sẽ gây ra tình trạng thiếu máu. Người có triệu chứng lúc nào cũng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, giảm trí nhớ, chất lượng cuộc sống giảm, giảm hiệu suất lao động và học tập. Vì vậy, khi có các dấu hiệu: đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, giảm trí nhớ, nôn ra máu, đi đại tiện thấy có máu hoặc màu đen, và những triệu chứng thực thể như da lạnh, da tái, tái nhợt, lạnh, vã mồ hôi, mạch, nhịp tim có thể nhanh, huyết áp bị tụt thì nên đi khám và điều trị sớm.
Trong thời gian điều trị, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nên ăn thức ăn mềm, tránh thức uống chứa cồn và chất kích thích như rượu bia, trà, cà phê, đồ ăn quá lạnh hay quá nóng, vận động nhẹ nhàng và uống thuốc đều đặn, tái khám khi có chỉ định của bác sĩ.