Vì sao bệnh nhân COVID-19 tử vong ngày càng có xu hướng trẻ và không có bệnh nền?
Báo cáo thống kê mới đây của cơ quan y tế công cộng bang Tamil Nadu (Ấn Độ) cho thấy ngày càng nhiều trường hợp người trẻ khỏe không có bệnh lý nền dưới 40 tuổi đã tử vong vì COVID-19.
Theo nhật báo Ấn Độ Dainik Jagran, tỷ lệ tử vong gia tăng trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua ở những người bị mắc COVID-19 dưới 50 tuổi đã trở thành một mối lo ngại cho ngành y tế quốc gia. Ấn Độ ghi nhận tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong năm nay đối với những người trẻ tuổi ngày càng tăng so với năm ngoái. Chiều hướng này không chỉ giới hạn ở các bang mà đại dịch hoành hành mà ngay tại các bang khác, virus SARS-CoV-2 cũng đang ngấm ngầm cướp đi sinh mạng của con người.
Tình trạng tương tự trên cũng đang xảy ra tại châu Mỹ. “Người trưởng thành ở đủ mọi lứa tuổi – bao gồm người trẻ - đang trải qua diễn biến bệnh tình nặng hơn. Rất nhiều người trong số họ đã chết”, Tiến sĩ Carissa F. Etienne – Giám đốc Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) – phát biểu tại một cuộc họp báo tuần trước.
“Tại Brazil, từ tháng 12/2020 đến 3/2021, tỷ lệ tử vong đã tăng gấp đôi đối với những bệnh nhân dưới 39 tuổi, tăng gấp bốn đối với những người ở độ tuổi 40 và tăng gấp ba ở những người ở độ tuổi 50. Đây là một bi kịch đối với các gia đình, với xã hội và tương lai của chúng ta”, nữ chuyên gia chỉ ra.
Tiến sĩ Etienne cho biết tỷ lệ nhập viện của những người dưới 39 tuổi đã tăng hơn 70% tại Chile trong vài tháng qua. Tại Brazil, tỷ lệ nhập viện cao nhất là những người trong độ tuổi 40. Tại một số bang nước Mỹ, nhiều người trong độ tuổi 20 nhập viện do bệnh chuyển biến xấu so với những người ở độ tuổi 70.
Tiến sĩ Etienne lưu ý: “Trong phần lớn thời gian bùng phát đại dịch, các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 cao tuổi và nhiều người trong số họ mắc các bệnh lý nền khiến tình trạng sức khỏe chuyển biến nặng hơn. Nhưng hiện tại, các phòng chăm sóc đặc biệt không chỉ toàn là người lớn tuổi nữa mà các bạn có thể thấy có những người trẻ tuổi hơn”.
Tại châu Âu, trong một tuyên bố hồi tháng 4/2020, bà Maria Van Kerkhove - người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO về COVID-19 – cảnh báo: “Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều người trẻ gặp tình trạng bệnh nặng. Dữ liệu từ một số quốc gia trên khắp Châu Âu cho thấy đã có những người trẻ tuổi tử vong. Một vài trong số đó có bệnh lý nền nhưng cũng có người không bị”.
Cho đến hiện tại, các chuyên gia y tế vẫn không rõ lý do vì sao một số người trẻ tuổi, khỏe mạnh bất ngờ tử vong do mắc COVID-19, song họ vẫn đưa ra một vài giả thiết.
Giả thiết đầu tiên cho rằng một số bệnh nhân có nền tảng di truyền nên trong một vài trường hợp, bệnh tình của họ diễn biến nghiêm trọng hơn người khác. Ví dụ, Philip Murphy - một nhà nghiên cứu y sinh tại Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm – từng chỉ ra trên tạp chí khoa học Science rằng các biến thể trong thụ thể gien ACE2 của một người có khả năng "khiến virus xâm nhập vào tế bào phổi dễ dàng hơn".
Michael Skinner, một nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết ông tin rằng "rất có thể một số người trong chúng ta có cấu tạo gien nhất định khiến chúng ta có nhiều khả năng phản ứng xấu khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2".
Trong khi đó, một giả thiết khác cho rằng một số bệnh nhân có nồng độ chất hoạt động bề mặt thấp. Đây là chất mà cơ thể sản xuất để giúp phổi giãn nở và co lại. Nếu một bệnh nhân thiếu một lượng chất hoạt động bề mặt thích hợp, phổi của họ sẽ trở nên căng cứng. Điều này có thể giải thích tại sao một số bệnh nhân gặp chứng khó thở ngay cả khi họ đang được hỗ trợ bằng máy.
Thêm một giả thiết khác cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể gây ra hiện tượng "cơn bão cytokine" ở một số bệnh nhân trẻ tuổi. Hiện tượng được đặt tên theo các protein cytokine - một phần của hệ miễn dịch. Đây là hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mức với tác nhân gây bệnh bên ngoài. Phản ứng cuối cùng của hiện tượng là phổi của họ bị tấn công, từ đó ngừng cung cấp oxy cho các phần còn lại của cơ thể, dẫn đến suy hô hấp và có khả năng tử vong.
Tại Ấn Độ, từ góc độ phân tích các bệnh nhân trẻ tuổi tử vong do COVID-19, các chuyên gia nước này chỉ ra hiện tượng “Happy Hypoxia” (Hypoxia hạnh phúc). Đây là hiện tượng giảm lượng oxy trong cơ thể mà không gây ra các triệu chứng dễ nhận biết. Hiện tượng này đã khiến nhiều người trẻ chủ quan, không nhận ra sự khác biệt của cơ thể và chậm trễ đến viện điều trị, từ đó cơ hội sống sót giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện trong làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại Ấn Độ được cho là dễ lây lan và nguy hiểm hơn những thể thông thường. Trong làn sóng này, ngay cả trẻ em cũng mắc bệnh.