Vì sao bệnh nhân sợ nội soi?
'Thà chết chứ không làm lần thứ hai' - nhiều người đã cương quyết như vậy sau lần nội soi 'sống' dạ dày, đại trực tràng… đầu tiên. Và tâm lý ám ảnh này còn tác động mạnh mẽ tới rất nhiều người chưa bao giờ thực hiện nội soi sợ hãi theo. Tại sao nhiều người lại sợ nội soi như vậy? Để làm rõ vấn đề này, Phóng viên Báo Lao động Thủ Đô đã có cuộc trao đổi với Ths. BS Vũ Hồng Anh, Trưởng Khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, Bệnh viện E để đem đến cho độc giả những câu trả lời khách quan và chính xác nhất.
PV: Nhiều người chấp nhận sống chung với bệnh chỉ bởi vì quá sợ nội soi. Vậy xin bác sĩ cho biết nội soi tiêu hóa là gì? Và nội soi tiêu hóa chẩn đoán được những bệnh gì?
Ths. Vũ Hồng Anh: Nội soi tiêu hóa là một phương pháp thăm khám trực tiếp hệ tiêu hóa. Với kỹ thuật này, các bác sĩ đưa một ống soi mềm, đầu có gắn camera để soi vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Từ đó, các bác sĩ sẽ quan sát được bề mặt ống tiêu hóa như: Thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng... Nhờ phương pháp này, các bác sĩ có thể chẩn đoán trực tiếp những tổn thương trên bề mặt của ống tiêu hóa. Những tổn thương đó có thể là viêm, loét, tổn thương mạch máu, nặng hơn là bệnh lý ung thư... vậy nên người bệnh phải nội soi để có những chẩn đoán phân biệt là tổn thương lành tính hay ác tính.
PV: Tại sao nhiều người bệnh lại sợ nội soi thưa bác sĩ?
Ths. Vũ Hồng Anh: Phương pháp nội soi là các bác sĩ sẽ sử dụng các ống soi tùy theo triệu chứng bệnh của mỗi người. Ví dụ như dạ dày là các bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi dài 60 – 70cm, đại tràng có thể là 1m. Trong quá trình nội soi, bác sĩ đưa ống vào trong người, bệnh nhân sẽ cảm thấy bị đau, khó chịu thậm chí nôn ọe…nên người bệnh rất sợ điều này.
PV: Được biết hiện nay các bệnh nhân có thể chọn nội soi qua đường mũi hay là nội soi gây mê để đỡ sợ hơn. Vậy phương pháp này như nào, liệu có rủi ro không thưa bác sĩ?
Ths. Vũ Hồng Anh: Để phương pháp nội soi cho người bệnh đỡ khó chịu hơn, thì người ta đã sáng chế ra các loại dụng cụ nhỏ, gọn hơn. Cụ thể như với việc nội soi dạ dày, thực quản, tá tràng… thì hiện nay các bác sĩ sử dụng ống nội soi đường mũi.Với ống nội soi nhỏ (đường kính ~6,3mm), có thể đi qua lỗ mũi sau đó xuống hầu, họng, dạ dày, tá tràng…
Để thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ được gây tê vùng mũi, họng nên dễ chịu hơn nhiều.Một số bệnh nhân vẫn cảm giác nôn, nhưng cảm giác đó rất ít. Nội soi gây mê thì bệnh nhân được gây mê như đi ngủ, sau khi bác sĩ soi xong khoảng 5 -10 phút là tỉnh như bình thường. Các bệnh nhân gây mê cần được khám sàng lọc mê trước khi soi để lường trước các biến chứng có thể xảy ra. Và tỷ lệ tai biến do nội soi tiêu hóa gây mê là rất thấp, thường gặp khi bệnh nhân có các bệnh mạn tính khác hoặc cơ địa dị ứng.
PV: Với nhiều người dân, gây mê nội soi khiến họ không còn sợ đau, nhưng một cái khác là sợ tốn tiền. Thành thử hai chữ gây mê nội soi vẫn cứ là xa vời với nhiều người dân. Bác sĩ có chia sẻ gì về vấn đề này?
Ths. Vũ Hồng Anh: Nội soi gây mê là một phương pháp có thể sử dụng được cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, chi phí khá cao so với nội soi thông thường, vậy nên nhiều người vẫn đang cân nhắc giữa việc lựa chọn phương pháp nội soi. Theo tôi người bệnh nên coi trọng sức khỏe của mình, hãy sắp xếp để có thời gian nghe tư vấn của bác sĩ về những lợi ích của các phương pháp nội soi. Tất nhiên vì sợ tốn tiền nên có người tiết kiệm nhưng có thể họ lại bị mất vào những chi phí khác còn lớn hơn. Nhưng người bệnh nên cân nhắc chi phí và sức chịu đựng của bản thân để lựa chọn phương pháp nội soi phù hợp.
PV: Thưa bác sĩ, vậy đã có trường hợp nào bắt buộc phải nội soi tươi mà không gây mê không?
Ths. Vũ Hồng Anh: Đây là những vấn đề chúng tôi gặp thường xuyên trong bệnh viện. Như đối với những bệnh nhân bị chảy máu cấp, dẫn đến hồng cầu sắc tố giảm rất nhiều, nếu như gây mê sẽ rất nguy hiểm. Hoặc trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ gây mê không có ở đó, thì bác sĩ nội soi phải xử lý ngay lập tức để soi và cầm máu cho bệnh nhân.
PV: Một trong những vấn đề khiến nhiều bệnh nhân nhập viện lo lắng là vấn đề lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Vậy phương pháp nội soi liệu có nguy cơ lây chéo không thưa bác sĩ?
Ths Vũ Hồng Anh: Thực tế hiện nay tại các bệnh viện, ống nội soi tiêu hóa không thể đủ mỗi một người một ống được. Do đó, các ống nội soi sẽ được sử dụng cho nhiều người. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể yên tâm bởi trong các bệnh viện đều có quy chuẩn quốc tế về việc xử lý vi khuẩn, vi rút ở ống nội soi cho mỗi bệnh nhân sử dụng.
PV: Đối với những bệnh nhân đang mang thai thì việc nội soi cần lưu ý những điều gì. Và họ nên ưu tiên sử dụng phương pháp nội soi nào thưa bác sĩ?
Ths. Vũ Hồng Anh: Đối với bệnh nhân mang thai, khi cần thực hiện phương pháp nội soi thì có thể lựa theo từng giai đoạn thai kỳ. Nếu bệnh nhân đang mang thai trong 3 tháng đầu thì không nên nội soi, bởi nếu sử dụng phương pháp này thường sẽ kích thích bệnh nhân nôn, ọe và khó chịu. Còn nếu nội soi gây mê thì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy nên trong giai đoạn này, bệnh nhân nên lựa chọn điều trị tạm thời – nội khoa, sau khi bệnh nhân hết giai đoạn thai kỳ thì bác sĩ sẽ kiểm tra lại cho bệnh nhân. Trừ trường hợp, nếu thai phụ nghi ngờ bệnh ác tính thì mới cần thiết làm nội soi.
PV: Khi có những triệu chứng nào thì người dân nên đến bệnh viện nội soi?Muốn nội soi chính xác thì bệnh nhân cần lưu ý gì thưa bác sĩ?
Ths. Vũ Hồng Anh: Thông thường thì khi có triệu chứng đau bụng hoặc nôn ói, đi ngoài có máu... thì mọi người mới lo lắng và đi nội soi kiểm tra. Nhưng thực tế bệnh lý tiêu hóa diễn ra rất âm thầm, đặc biệt là ung thư sớm đường tiêu hóa như: Ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng… gần như không có biểu hiện gì, chỉ có nội soi mới phát hiện được. Việc phát hiện bệnh muộn vừa gây khó khăn cho việc điều trị, vừa gây tốn kém cho bệnh nhân. Vì vậy, mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh sớm thì việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao.
Và khi có những triệu chứng bất thường liên quan đến đường tiêu hóa như: Đau, nôn ọe, hay sụt cân nhanh… thì mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra. Đặc biệt đối với đường tiêu hóa dưới như đại trực tràng như đi ngoài ra máu, đi ngoài ra nhầy lẫn máu, hoặc đau bụng không rõ nguyên nhân thì mọi người nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra.Và để nội soi có kết quả tốt thì đường tiêu hóa cần phải sạch. Trước khi nội soi dạ dày, bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng, đại tràng cần tẩy sạch để việc nội soi đạt hiệu quả.
Xin cảm ơn Ths. Vũ Hồng Anh!
Theo Ths. Vũ Hồng Anh, để giảm thiểu các bệnh lý về đường tiêu hóa, mọi người nên thực hiện nguyên tắc ăn sạch, uống sôi để tránh lây nhiễm. Đồng thời, nên lựa chọn những thực phẩm sạch, đảm bảo nguồn gốc ít bị hóa chất. Đây là 2 lựa chọn thực phẩm đầu vào của mỗi người để bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, dù công việc có bận rộn tới đâu thì mọi người nên ăn đúng giờ, để cơ thể có thể tiếp nhận thức ăn một cách tốt nhất. Đặc biệt là “cánh mày râu” nên hạn chế uống rượu, bia và uống có kiểm soát, tránh để rượu, bia gây ra những phiền toái bệnh tật làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-sao-benh-nhan-so-noi-soi-69986.html