Vì sao bệnh nhân xương khớp ngày càng trẻ hóa?
Các bệnh liên quan đến xương khớp không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thực trạng này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) đã tiếp nhận nhiều người trẻ tuổi đến khám, điều trị phục hồi chức năng, vật lý trị liệu vì đau mỏi vai gáy, đau cột sống, đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm... Thậm chí, có những trường hợp mới chỉ 20-22 tuổi đã phải đến khám và kêu ca về tình trạng đau nhức xương khớp. Những cơn đau biểu hiện đặc trưng cho tình trạng thoái hóa khớp sớm.
Tương tự, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều học sinh trong độ tuổi 13, 14 tuổi bị đau các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái do chơi điện thoại quá nhiều. Với những trường hợp này, chỉ khoảng 5-7 năm nữa, ở tuổi ngoài 20, các khớp nhỏ ở ngón tay của trẻ sẽ bị thoái hóa hoặc có thể đốt sống cổ và cơ lưng bị tổn thương... Lý giải về nguyên nhân khiến bệnh lý xương khớp ngày càng hay gặp ở người trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, lối sống hiện đại khiến con người lười vận động, trong khi đó, thời gian sử dụng máy tính, điện thoại lại nhiều hơn. Khi ngồi một vị trí, một tư thế mà sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài dễ dẫn đến đau mỏi vai gáy, đau cổ…, từ đó kéo theo các bệnh lý về xương khớp gia tăng. Riêng với người làm công việc văn phòng, tỷ lệ mắc bệnh cơ xương khớp hiện đã lên đến hơn 65%.
Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Cơ xương khớp - Nội tiết, Bệnh viện Lão khoa trung ương cũng đưa ra cảnh báo về bệnh thoái hóa khớp ở người trẻ. Nếu người già bị thoái hóa khớp phần nhiều là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể thì ở người trẻ nguyên nhân chủ yếu đến từ lối sống thiếu khoa học, như: Lười vận động hay vận động quá mức, dinh dưỡng thiếu cân đối dẫn đến thừa cân, béo phì… Điều đáng nói là có rất nhiều người trẻ bị thoái hóa khớp nhưng không biết mình bị bệnh. Thậm chí, họ ít chú ý đến các triệu chứng, có tâm lý chủ quan.
“Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, thoái hóa khớp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Hoại tử xương, viêm khớp, nhiễm trùng khớp, ảnh hưởng gân, dây chằng, vôi hóa sụn khớp, vỡ khớp khi gặp chấn thương, nặng nhất có thể bị tàn phế. Điều này gián tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động và đẩy chi phí y tế tăng lên”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Huyền lưu ý.
Để không tạo điều kiện cho các bệnh nguy hiểm về xương khớp phát triển, mỗi người dù già hay trẻ nên có ý thức về việc phòng bệnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để giúp cho cơ bắp và xương chắc khỏe hơn, mỗi người cần luyện tập thể dục, thể thao với những bài tập phù hợp như: Bơi, đạp xe, đi bộ, tập thể dục, dưỡng sinh... Nên tập với tư thế tốt nhất cho các khớp xương bằng cách đứng thẳng, tránh nằm lâu, leo cầu thang, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ gây ứ trệ tuần hoàn máu và cứng khớp. Ngoài ra, khi ngồi làm việc, mọi người nên chú ý giữ thẳng lưng, không ngồi xổm...
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, hãy hạn chế luyện tập với cường độ mạnh, tránh tăng cân nhiều và luôn biết cách hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm. Đặc biệt, thay vì ngồi làm việc liên tục 3-4 tiếng, thì sau 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, mỗi người nên đứng dậy vận động tại chỗ 5-10 phút giúp cơ xương khớp linh hoạt. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh như đau vùng vai gáy, đau ở thắt lưng, đau vùng gót chân, đau ở các khớp... cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám, tránh sử dụng các sản phẩm giảm đau xương khớp một cách tùy tiện. Bởi những sản phẩm này có thể chứa hoạt chất giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAID) hay Corticoid, khi sử dụng dài ngày rất nguy hiểm cho gan, thận và dạ dày.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vi-sao-benh-nhan-xuong-khop-ngay-cang-tre-hoa-668188.html