Vì sao bị trầm cảm sau sinh, phụ nữ thường có hành động gây nguy hiểm cho con?

Trầm cảm sau sinh cực kỳ nguy hiểm với đứa trẻ mới sinh. Bởi khi mắc bệnh người mẹ thường tìm cách 'giết con' hoặc có những hành vi mất kiểm soát với em bé. Để đề phòng, gia đình cần quan tâm, chia sẻ với phụ nữ sau khi sinh con.

 Trước, trong và sau sinh người phụ nữ phải chịu nhiều áp lực.

Trước, trong và sau sinh người phụ nữ phải chịu nhiều áp lực.

Mất kiểm soát hành vi do trầm cảm

Mới đây, mạng xã hội xôn xao với clip người mẹ đạp gãy chân con ở Bắc Giang. Theo đó, vụ việc được xác định xảy ra tại xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) từ tháng 6/2022. Cháu bé trong clip đã bị gãy xương đùi nhưng đến thời điểm hiện tại đã khỏi và hoàn toàn có thể đi lại bình thường.

Tại Công an huyện Lục Ngạn, người phụ nữ trong clip (mẹ ruột của nạn nhân) khai nhận do bản thân bực tức việc con trai nghịch ngợm làm mất chìa khóa xe mô tô dẫn đến mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành vi nên đã đánh con. Bước đầu, cơ quan công an nhận định người mẹ bị trầm cảm sau sinh.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng (BV Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, không chỉ trường hợp như clip trên mạng xã hội, gần đây BV Đại học Y Dược TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều phụ nữ sau sinh bị trầm cảm nặng với các biểu hiện mất kiểm soát về hành vi.

Theo đó, có người dọa tự tử, rạch tay tự tử, xung đột với con, không chăm sóc, thậm chí còn gây hại cho con của họ. Không ít trường hợp mẹ quá stress vì con quấy khóc đêm đã quăng con mạnh xuống giường nhiều lần, may mắn là bé không bị chấn thương sọ não. Một vài trường hợp khác thì người mẹ sau sinh rạch tay tự tử, rạch bụng tự sát hoặc dọa tự tử. Thậm chí, có những người mẹ không buồn chăm sóc con của mình, hoặc cấu véo để lại vết bầm tím trên da trẻ.

Lý giải về lý do phụ nữ có những hành vi trên, bác sĩ Mẫn cho rằng, sau sinh phải trải qua giai đoạn "vượt cạn" một mình. Họ rất mệt vì phải trải qua những cơn đau thể xác. Thứ hai là tâm lý, trước đây khi em bé khóc là các bà mẹ cho con bú vì nghĩ "khóc là đói". Thói quen đó dần dần "ăn" vào trong suy nghĩ của các bà mẹ nên người phụ nữ về đêm phải thức rất nhiều lần để cho con bú. Chính việc thức nhiều vậy khiến cho người mẹ bị kiệt sức dẫn đến bị trầm cảm.

Bác sĩ Lê Đức Nghĩa (BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương) cũng cho biết, trẻ quấy khóc nhiều vào ban đêm có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thực thể là trẻ có tình trạng bệnh lý về đường tiêu hóa, thực quản, dị ứng sữa bò đường hô hấp, viêm phế quản... Về nguyên nhân chức năng thì có thể bé bú no quá, đói quá hoặc bị đầy hơi.

Các chuyên gia BV Tâm thần TƯ cũng cho biết, trầm cảm sau sinh cực kỳ nguy hiểm. Căn bệnh này là mối nguy hiểm hàng đầu với đứa trẻ mới sinh, bởi khi mắc bệnh người mẹ thường tìm cách "giết con". Bởi trong suốt thai kỳ, nồng độ các hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone tăng cao. Khi sinh, nồng độ của hai loại hormone này giảm đột ngột. Khoảng sau 1 tuần, phụ nữ sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, với nhiều phụ nữ, sau sinh tuần đầu tiên họ có cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng, khó ngủ, mệt mỏi thay đổi tâm trạng. Khi có các biểu hiện này, chồng và gia đình chồng không hiểu và thông cảm, trái lại còn cho rằng phụ nữ giả vờ hoặc gây áp lực. Những việc trên khiến người phụ nữ mất niềm vui, có cảm giác vô dụng, vô vọng, bất lực, hay suy nghĩ về cái chết, cảm thấy không có mối gắn kết gì với con nên nhiều người tìm cách giết con hoặc giết người xung quanh.

Cách phòng tránh trầm cảm sau sinh cho chị em

Các nghiên cứu gần đây tại một số BV phụ sản ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ phụ sản sau sinh bị trầm cảm lên đến 33%. Trong đó ước tính gần 50% tỷ lệ phụ sản bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.

Điều đáng lo ngại là tình trạng trầm cảm sau sinh có thể khởi phát bất cứ lúc nào trong thời gian 1 năm đầu sau sinh. Và nếu không được nhận biết sớm và áp dụng những biện pháp can thiệp phù hợp thì các vấn đề trầm cảm sau sinh kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, vật chất, tinh thần của cả mẹ và con.

Theo bác sĩ Nghĩa, sau sinh phụ nữ dễ bị trầm cảm. Vì vậy, việc chuẩn bị cho một thành viên mới ra đời phải là quá trình chuẩn bị đầy đủ của cả gia đình. Theo đó, người phụ nữ khi mang bầu phải được hỗ trợ chăm sóc đúng cách, giúp cho họ không bị mặc cảm về hình thể của họ khi mang bầu và sau sinh. Đồng thời, gia đình và người thân giúp cho họ có sự an yên, không bị cô đơn khi "mang nặng đẻ đau".

Sau khi "vượt cạn", những người phụ nữ rất cần có sự hỗ trợ để lấy lại được sức khỏe, cảm giác an yên trước khi quay trở lại công việc, lấy lại được vai trò của họ trước khi sinh con.

Những người phụ nữ sau sinh cũng nên có những bài tập thể dục phù hợp giúp lấy lại được vóc dáng, sự tự tin. Họ nên ra ngoài đón ánh nắng mặt trời, hít thở không khí, tương tác với mọi người xung quanh. Nó giúp cho người phụ nữ không bị tù túng, cảm giác giam hãm xung quanh 4 bức tường.

Người thân nên giúp đỡ chị em trong việc chăm sóc bé và mẹ; tránh gây áp lực, không tạo tâm lý căng thẳng với người phụ nữ. Bản thân chị em cũng có thể đi bộ nhẹ nhàng ngoài trời hàng ngày để tăng cường sức khỏe và cải thiện tâm trạng. Đồng thời, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc. Đặc biệt chị em nên giữ liên lạc với gia đình, bạn bè chứ không nên tự cô lập bản thân.

Khi phát hiện bị trầm cảm, người bệnh cần được cơ sở y tế để điều trị. Nếu bệnh nhân mới phát bệnh thì có thể điều trị khỏi dứt điểm. Trường hợp bệnh đã nặng thì điều trị mất nhiều thời gian.

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-sao-bi-tram-cam-sau-sinh-phu-nu-thuong-co-hanh-dong-gay-nguy-hiem-cho-con-202210091713192.htm