Vì sao Bill Gates và nhiều nhà khoa học phản đối việc ồ ạt trồng cây gây rừng?

Sau khi Một Thế Giới đăng bài 'Tranh cãi sau khi Bill Gates tuyên bố trồng cây xanh là vô bổ với môi trường', có không ít độc giả thắc mắc tại sao tỷ phú Mỹ và nhiều nhà khoa học phản đối việc trồng cây. Chúng tôi xin đưa thông tin sâu hơn ý kiến của Jesús Aguirre-Gutíerrez thuộc Viện Thay đổi Môi trường tại Đại học Oxford (Anh).

Bill Gates gây sốc với tuyên bố: Tôi không trồng cây

Bill Gates gây sốc với tuyên bố: Tôi không trồng cây

Cuộc khủng hoảng khí hậu leo thang đã thúc đẩy nỗ lực trồng cây dạng công nghiệp tăng vọt để trung hòa lượng khí thải carbon quá mức. Tuy nhiên, một bài báo trên tạp chí Xu hướng Sinh thái và Tiến hóa (Trends in Ecology and Evolution) xuất bản gần đây cho rằng những đồn điền trung hòa carbon này có thể gây rủi ro cho đa dạng sinh học và các hoạt động sinh thái khác nhau. Thay vào đó, tác giả bài báo khuyên nên tập trung vào việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái không bị xáo trộn.

Các tác giả, đứng đầu bởi Jesús Aguirre-Gutíerrez thuộc Viện Thay đổi Môi trường tại Đại học Oxford, viết: “Mặc dù các hệ sinh thái nhiệt đới cung cấp nhiều hoạt động và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái chung, nhưng xã hội lại giảm giá trị của chúng xuống chỉ còn một thước đo - carbon”, đồng thời họ cho rằng: “Chính sách hiện tại và sắp tới không nên thúc đẩy việc làm suy thoái hệ sinh thái thông qua việc trồng cây với quan điểm hạn hẹp về hấp thụ carbon”.

Các hệ sinh thái nhiệt đới, gồm rừng, đồng cỏ và thảo nguyên là những địa điểm lý tưởng để trồng cây vì khí hậu và các đặc điểm tự nhiên ở đây thích hợp để cây phát triển nhanh (cây phát triển nhanh đồng nghĩa với việc hấp thụ carbon nhanh). Mặc dù một số hoạt động trồng cây liên quan đến việc trồng lại rừng trên đất bị suy thoái, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng liên quan đến việc trồng rừng ở những vùng chưa hề bị suy thoái và trước đây không có rừng như đồng cỏ.

Người ta thường cho rằng trồng cây để hấp thụ carbon và mang lại lợi ích cho đa dạng sinh học, tăng cường lợi ích kinh tế xã hội, nhưng các tác giả trong bài viết lại cho rằng điều này thường không xảy ra. Các hệ sinh thái nhiệt đới rất đa dạng sinh học và chúng cung cấp nhiều hoạt động môi trường khác nhau, chẳng hạn như duy trì chất lượng nước, độ màu mỡ của đất và quá trình thụ phấn. Để so sánh, các đồn điền hấp thụ carbon thường là rừng độc canh và chỉ có 5 loài cây chiếm ưu thế trên toàn cầu (gồm: tếch, gụ, tùng, sồi và keo) được trồng để lấy gỗ, bột giấy hoặc nông lâm kết hợp.

Mặc dù những đồn điền này có giá trị kinh tế nhưng chúng lại có mức độ đa dạng sinh học thấp hơn. Ví dụ, ở thảo nguyên Cerrado Brazil, độ che phủ gỗ đã tăng 40% nhưng làm giảm sự đa dạng của thực vật và kiến khoảng 30%. Những đồn điền này cũng có thể trực tiếp làm suy thoái hệ sinh thái thông qua việc làm suy giảm dòng chảy, làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và chua hóa đất.

Nhóm tác giả lập luận rằng, ngay cả những cam kết đầy tham vọng đối với các đồn điền hấp thụ carbon cũng sẽ bị hạn chế về chính khả năng hấp thụ carbon.

Các tác giả viết: “Xu hướng trồng cây tập trung vào vấn đề carbon hiện nay đang đưa chúng ta đi theo con đường đồng nhất hóa sinh học và chức năng trên quy mô lớn để hấp thụ được ít carbon”, đồng thời so sánh: “Một khu vực tương đương với tổng diện tích của Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga sẽ phải trồng rừng để cô lập lượng khí thải ra trong một năm”.

Đồng cỏ nhiệt đới và thảo nguyên vốn đã là bể chứa carbon ngầm. Khi còn nguyên vẹn, các đồng cỏ nhiệt đới và thảo nguyên lưu trữ một lượng lớn carbon dưới mặt đất. Điều này ngược lại với các đồn điền trồng cây hấp thụ carbon, nơi chủ yếu lưu trữ carbon nằm trên mặt đất nên sẽ bị "đi tong" nếu xảy ra hỏa hoạn, trong khi đó, “các bể chứa carbon ngầm” không chịu tác động từ hạn hán và hỏa hoạn mà chỉ bị mất nếu người ta trồng rừng.

Nhóm tác giả cho rằng, có những đòn bẩy tài chính đáng kể cho các công ty tư nhân để bù đắp lượng khí thải carbon bằng cách đầu tư vào đồn điền hấp thụ carbon.

Theo họ, sự bùng nổ các đồn điền kiểu này bị thúc đẩy bởi tiền chứ không phải sinh thái. So với các thông số như đa dạng sinh học và môi trường sinh thái, thì chỉ số carbon rất dễ đo lường và kiếm tiền. Tuy nhiên, nhóm tác giả cho rằng việc nhấn mạnh quá mức đến lợi ích của việc trồng cây để hấp thụ carbon “có thể làm mờ nỗ lực bảo vệ toàn vẹn các hệ sinh thái và có thể dẫn đến sự đánh đổi tiêu cực giữa việc trung hòa carbon và tính đa dạng sinh học và hoạt động sinh thái”.

Thay vì tập trung vào việc trồng cây thương mại, nhóm tác giả cho rằng chúng ta nên ưu tiên bảo tồn toàn vẹn các hệ sinh thái. Họ viết: “Quan điểm bao quát về việc duy trì chức năng hệ sinh thái ban đầu và tối đa hóa càng nhiều chức năng hệ sinh thái càng tốt nên được ưu tiên hơn là vào các dự án hấp thủ carbon quá nặng nề chuyện tiền nong”.

>

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-sao-bill-gates-va-nhieu-nha-khoa-hoc-phan-doi-viec-o-at-trong-cay-gay-rung-207479.html