Vì sao 'Blind' của Kim Ha Neul từng chinh phục 2,5 triệu khán giả Hàn?
'Bằng chứng vô hình' sắp ra mắt là phiên bản Việt hóa của 'Blind' (2011). Bộ phim Hàn Quốc có Kim Ha Neul đóng chính từng nhận nhiều lời khen ngợi cách đây gần 10 năm.
Blind là bộ phim hình sự do đạo diễn Ahn Sang-hoon thực hiện, có kịch bản do biên kịch Choi Min-seok chấp bút.
Trong phim, nữ diễn viên Kim Ha-neul vào vai Min Soo-ah - một nữ cảnh sát tập sự do bất cẩn đã gây ra vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của em trai. Đôi mắt của Soo-ah đồng thời vĩnh viễn mất đi ánh sáng kể từ sự kiện ấy.
Ba năm sau, Soo-ah tình cờ trở thành nhân chứng duy nhất của một vụ tai nạn chết người mà lái xe đã chủ đích phi tang thi thể nạn nhân nhằm xóa bỏ mọi dấu vết.
Tuy nhiên, do là người khiếm thị, cô không được cảnh sát tin tưởng. Dẫu vậy, thanh tra cảnh sát Jo (Jo Hee-bong) vẫn cùng Soo-ah tham gia điều tra dựa trên nguồn thông tin ít ỏi mà cô cảm nhận và ghi nhớ được.
Cả hai đều không ngờ rằng thủ phạm của vụ tai nạn là một gã sát nhân hàng loạt, và Soo-ah sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo để hắn có thể diệt khẩu tận gốc.
Câu chuyện hấp dẫn với ý tưởng mới lạ
Blind là một bộ phim hình sự, điều tra phá án kiểu cổ điển, với tiền đề tương đối mới lạ và thú vị ở thời điểm ra mắt: chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhân chứng duy nhất của một vụ án mạng là người mù?
Sau phần mở màn tương đối ngắn gọn giới thiệu hoàn cảnh nhân vật chính Min Soo-ah, bộ phim nhanh chóng đưa khán giả đến sự kiện chính của tác phẩm: vụ tai nạn xe hơi chết người mà nữ chính là người duy nhất được “kiểm chứng” trực tiếp cùng hung thủ.
Một vụ án tưởng chừng đơn giản, nhưng khi nhân chứng vốn không còn thị lực để ghi nhận hình ảnh, bỗng trở thành một vấn đề hoàn toàn khác. Từ đây, bộ phim bắt đầu khai thác tiền đề mới mẻ, đem đến cho khán giả chuyến hành trình điều tra, phá án với nhiều điểm nhấn khác biệt so với các tác phẩm cùng thể loại.
Một nhân chứng bình thường đi báo án mà không có bằng chứng cụ thể còn gặp khó khăn, huống chi là một nhân chứng mù. Từ ban đầu, nữ chính Min Soo-ah đã vấp phải không ít khó khăn khi phải cố gắng thuyết phục cảnh sát tin lời cô.
Ngay cả khi đã có sự hỗ trợ từ cảnh sát, công việc điều tra cũng không đơn giản khi Soo-ah nắm quá ít thông tin có thể kiểm chứng để hỗ trợ truy tìm thủ phạm. Quá trình phối hợp giữa anh chàng thanh tra nhiệt tình nhưng nông nổi cùng nữ nhân chứng khiếm thị đem đến không ít tình huống bi hài, vượt ra ngoài quy tắc điều tra thông thường.
Chưa dừng lại ở đó, là người khiếm thị khiến Min Soo-ah không thể nhận ra thủ phạm ngay cả khi hắn đứng đối diện, trong khi hắn lại biết rõ về cô. Điều này khiến cho bộ phim không chỉ có quá trình điều tra thủ phạm một chiều, mà còn đem đến trò chơi “mèo vờn chuột” đầy nguy hiểm khi thủ phạm có thể ra tay giết người diệt khẩu bất cứ lúc nào.
Bên cạnh hàng loạt điểm bất lợi, nữ chính thực tế sở hữu những ưu điểm không ai ngờ tới, khi cô có thể cảm giác và ghi nhận lại những dữ liệu hiện trường từ giác quan khác. Chuỗi thông tin độc đáo trở thành bằng chứng khó ngờ, giúp quá trình điều tra phá án trở nên hấp dẫn hơn.
Về cơ bản, Blind đã thể hiện được tương đối đầy đủ các tiền đề kể trên, đem đến cho khán giả một câu chuyện điều tra phá án thú vị, hấp dẫn. Quy trình điều tra diễn ra theo hướng truyền thống với các bằng chứng, đầu mối được tổng hợp bằng phương pháp mới mẻ.
Trò chơi “mèo vờn chuột” giữa kẻ thủ ác và và nhân chứng cùng cảnh sát tạo ra nhiều tình huống kịch tính, với cao trào là trường đoạn đối đầu cuối phim. Việc thủ phạm được tiết lộ rõ ràng ngay từ ban đầu, nhưng cảnh sát và nhân chứng không thể tiếp cận hắn, mà thậm chí còn bị hắn truy sát ngược, đem đến nhiều tình huống bất ngờ.
Nhờ đó, Blind duy trì được sự hấp dẫn từ đầu đến cuối, cân bằng tương đối tốt giữa yếu tố điều tra hình sự với hành động kịch tính. Tuy có thể dự đoán các sự kiện chính, nhưng khán giả vẫn không thể nắm được diễn biến cụ thể ra sao.
Bên cạnh những trường đoạn phá án hay đối đầu cân não, Blind cũng không thiếu những trường đoạn thiên về tâm lý, nhằm xây dựng mối quan hệ giữa các nhân vật và đào sâu hơn cảm xúc của nhóm nhân vật chính. Điều đó giúp bầu không khí chung của tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn, chứ không bị quá căng thẳng, nặng nề.
Chất lượng sản xuất và năng lực diễn xuất hợp lý
Bên cạnh ý tưởng mới lạ cùng kịch bản hấp dẫn, Blind còn ghi điểm nhờ chất lượng sản xuất và năng lực diễn xuất hợp lý. Phần hình ảnh và âm thanh được đầu tư, giúp tạo hiệu ứng kịch tính cho các trường đoạn đối đầu cân não dù không có nhiều cảnh hành động bạo lực hay máu me.
Diễn xuất của các nhân vật đồng đều và trọn vẹn. Nữ chính Kim Ha-neul thể hiện tốt hình tượng nhân vật chính Min Soo-ah: sở hữu nội tâm phức tạp với vết thương lòng trong quá khứ, nhưng lại không dễ dàng thể hiện ra bên ngoài bởi đôi mắt giờ đây trông trống rỗng vô hồn.
Thành công của Kim Ha-neul nằm ở chỗ cô không quá gồng mình để thể hiện cảm xúc nhân vật một cách cường điệu thái quá nhằm lôi kéo cảm xúc của người xem, mà chủ động kiểm soát cảm xúc nhân vật đầy tự nhiên, chân thực.
Màn trình diễn của Kim Ha-neul trong Blind từng đem về cho cô giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại hai giải thưởng điện ảnh lớn của Hàn Quốc là Rồng Xanh và Đại Chung.
Kịch bản chưa khai thác hết ý tưởng tiềm năng
Đội ngũ sản xuất của Blind đã tận dụng tương đối tốt ý tưởng mới mẻ ban đầu để đem đến cho khán giả một tác phẩm hình sự, điều tra hấp dẫn. Tuy nhiên, bản thân bộ phim vẫn còn những điểm yếu đáng tiếc.
Dù đã đưa vào những tiền đề mới mẻ mà ý tưởng chủ đạo có thể gợi mở, bản thân tác phẩm mới chỉ khai thác chúng tương đối khá sơ sài, chưa đi sâu khai thác triệt để nhằm đem đến chiều sâu. Những khó khăn mà nhân vật chính cùng cảnh sát phải trải qua được nhắc đến còn nhạt nhòa, chưa tạo ra thử thách thực sự.
Do đó, tổng thể quá trình điều tra, phá án trong phim không có điểm nhấn ấn tượng nào đáng kể, thậm chí đôi khi còn bị giản lược thái quá đến mức phi logic. Việc truy ra thủ phạm vì thế còn mang nặng tính áp đặt và ăn may.
Tiết tấu của Blind cũng thiếu ổn định. Sau phần mở màn hợp lý cùng hành trình điều tra, phá án ban đầu hấp dẫn, bộ phim bắt đầu đem đến các trường đoạn tâm lý, tình cảm giữa các nhân vật hơi lê thê. Điều này không chỉ làm giảm sức hấp dẫn của bộ phim, mà còn vô tình khiến chuỗi chi tiết điều tra, hình sự khác bị giảm thời lượng.
Nhìn chung, Blind là một tác phẩm hình sự, điều tra phá án sở hữu ý tưởng mới mẻ, với nhiều tiềm năng khai thác gợi mở. Dù vẫn còn những điểm trừ về mặt kịch bản và tiết tấu, đây vẫn là một tác phẩm đáng xem của điện ảnh Hàn Quốc. Tới đây, điện ảnh Việt sẽ thử sức kể lại bộ phim qua Bằng chứng vô hình, với diễn xuất của Phương Anh Đào trong vai chính.